Thế nào là phơi nhiễm HIV?
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS của bộ Y tế, phơi nhiễm HIV là tình huống có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Dựa vào tính chất thường gặp người ta chia ra 2 loại: phơi nhiễm nghề nghiệp và phơi nhiễm ngoài môi trường nghề nghiệp (tại cộng đồng).
Phơi nhiễm nghề nghiệp: Thường xảy ra ở những người làm nghề y do bị kim đâm khi làm thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, vết thương do dao mổ và các dụng cụ y tế sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của bệnh nhân gây tổn thương. Ngoài ra, một số ngành như công an, quân đội cũng rất dễ bị phơi nhiễm HIV
Phơi nhiễm không do nghề nghiệp: Thường gặp ngoài cộng đồng, do các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc bị cưỡng dâm.
- Sử dụng chung bơm kim tiêm đối với người nghiện chích ma tuý
- Vết thương do đâm phải kim hoặc các vật sắc nhọn vứt ra các khu vực công cộng và có dính máu
- Vết thương do người nghi nhiễm HIV cắn gây chảy máu …
Khi nào có nguy cơ lây nhiễm HIV?
Nguy cơ lây nhiễm HIV cao khi có chúng ta có sự tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết của cơ thể người có HIV. Cụ thể:
- Quan hệ tình dục không an toàn với người có HIV
- Máu, dịch của người có HIV dính vào các vùng da bị tổn thương hoặc văng vào niêm mạc như mắt, mũi, họng…
- Vết thương do bị kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn đã hoặc đang dùng cho người có HIV đâm vào.
- Đối với những vùng da lành hoặc tổn thương da xây xát nhẹ, không chảy máu hoặc chảy máu ít thì khả năng lây nhiễm thấp nếu bị máu và dịch tiết của người có HIV văng, dính vào. Ngược lại, nguy cơ lây nhiễm cao nếu đó là tổn thương da sâu, rộng, chảy nhiều máu hoặc các vùng da bị tổn thương viêm loét rộng từ trước
Cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV
Nếu không may bị phơi nhiễm HIV, bạn cần bình tĩnh và làm theo các bước sau:
Tổn thương do kim hoặc vật sắc nhọn đâm vào: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước bằng xà phòng và nước sạch. Nếu vết thương chảy máu, để vết thương tự chảy trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương.
Nếu máu/dịch bắn vào vùng da bị tổn thương: Rửa bằng xà phòng và nước dưới vòi nước chảy. Không cọ hoặc chà xát khu vực da tổn thương.
Nếu máu/dịch bắn vào mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 10 -15 phút. Không dụi mắt.
Nếu máu/dịch bắn lên mũi, miệng: Xì mũi, nhổ khạc ngay dịch cơ thể và xúc miệng bằng nước nhiều lần bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9%. Không đánh răng, không dùng thuốc khử khuẩn.
Nếu máu/dịch bắn vào vùng da nguyên vẹn: Rửa vùng này bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước. Không chà xát khu vực bị vấy máu hoặc dịch.
Sau đó cần đưa người bị phơi nhiễm HIV ngoài cộng đồng đến ngay các cơ sở tư vấn HIV/AIDS, bệnh viện gần nhất để được tư vấn, thăm khám và kiểm tra.
Một số lưu ý đối với người bị phơi nhiễm HIV
Việc điều trị dự phòng cho người phơi nhiễm HIV cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để dùng theo sự mách bảo của những người không có chuyên môn.
Việc điều trị này cần tiến hành càng sớm càng tốt. Tốt nhất trước 6 tiếng và tối đa là không quá 72 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm. Nếu sau 3 ngày, việc điều trị không còn tác dụng. Do đó, người phơi nhiễm HIV cần phải đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện có nguy cơ phơi nhiễm HIV.
Người bị phơi nhiễm cần làm các xét nghiệm HIV sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội