Bạn cần nhớ rằng, sau khi thức giấc trong khoảng từ 14 đến 16 tiếng, cơ thể chúng ta cần đi ngủ để phục hồi lại cơ thể và tâm trí.
Mặc dù thời gian ngủ tối thay đổi tùy theo tuổi, nhưng chúng ta cần ngủ tối thiểu 7 đến 8 tiếng một ngày.
Một đứa trẻ có thể ngủ trong 12 đến 14 tiếng, còn người lớn không nên ngủ quá 9 tiếng. Vậy nếu bạn chỉ ngủ chưa tới 6 tiếng thì sức khỏe của bạn sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Những vấn đề cơ thể bạn phải đối mặt
Nhức đầu và giảm thị lực: Khi bạn ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày, chứng đau đầu diễn ra thường xuyên. Đồng thời thị lực của bạn sẽ giảm sút.
Tăng cân: Nếu bạn nghĩ bạn ngủ ít đi sẽ khiến bạn giảm cân thì bạn đã nhầm to. Khoa học đã chứng minh rằng bạn càng ngủ ít thì bạn càng tăng cân.
Mất trí nhớ, giảm sự tập trung: Mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc đều ảnh hưởng xấu đến trí nhớ của bạn. Lúc đó, ngay cả những điều đơn giản nhất bạn cũng cảm thấy khó nhớ. Đồng thời, khi bạn không có giấc ngủ ngon, sự tập trung của bạn cũng bị giảm sút. Và bạn rất dễ bị tai nạn khi lái xe trong tình trạng như vậy.
Nhiễm trùng và bệnh tim mạch: Giấc ngủ là thứ giúp ổn định và cân bằng mọi thứ xảy ra trong cơ thể khi chúng ta tỉnh táo. Do đó, việc ngủ không đủ giấc khiến nhiễm trùng có thể mất nhiều thời gian hơn để chữa lành. Thiếu ngủ cũng khiến huyết áp của bạn tăng cao, lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tim của bạn.
Tiểu nhiều lần: Khi bạn thức nhiều giờ, ngủ ít, bạn có thể phải đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Nguyên nhân khiến bạn khó ngủ đủ giấc mỗi ngày
Dùng các chất kích thích như trà, cà phê… trước khi đi ngủ:
Caffeine trong cà phê không chỉ là chất gây kích thích, mà còn có tác dụng lợi tiểu. Uống cà phê trước khi đi ngủ sẽ khiến bạn khó vào giấc ngủ. Đồng thời làm bạn thức giấc vì đi tiểu đêm. Trà, nước ngọt có gas cũng tương tự như vậy.
Một số người cho rằng uống rượu có thể giúp bạn dễ vào giấc ngủ hơn, nhưng nó lại là nguyên nhân gây ngủ chập chờn, không ngon giấc.
Sử dụng các thiết bị điện tử như TV, laptop, smart phone..: Sóng và những bức xạ điện từ, đặc biệt là ánh sáng xanh từ TV, điện thoại hay máy tính sẽ ảnh hưởng đến việc bài tiết chất melanonin, khiến bạn khó có thể vào giấc ngủ dễ dàng.
Hơn nữa, việc sử dụng những thiết bị điện tử khiến bạn dễ sa đà, thức khuya, thu ngắn lại thời gian ngủ nghỉ.
Stress: Cùng với việc dùng chất kích thích hoặc thiết bị điện tử, stress cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Stress trong công việc, trong cuộc sống khiến đầu bạn luôn căng như dây đàn và điều đó làm cho bạn khó ngủ ngon được.
Môi trường ngủ không lý tưởng: Một môi trường nhiều ánh sáng, ồn ào và không thoáng sạch là một trong các nguyên nhân khiến bạn bị chóng mặt khi thức dậy. Bạn nên lưu ý, chất melatonin được tiết ra càng nhiều thì càng giúp bạn ngủ ngon, và nồng độ melatonin tỉ lệ nghịch với ánh sáng phòng.
Gối ngủ của bạn: Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng chất lượng giấc ngủ có chịu sự tác động của độ cao của gối. Một chiếc gối lý tưởng sẽ có kích thước khoảng 60cm x 30cm x 8-15cm.