“Em vẫn thường xuyên theo dõi fanpage của các trường để chờ thông tin về phương án tuyển sinh, song chỉ mới một trong hai trường dự kiến đăng ký đã tiết lộ phương thức xét tuyển. Các trường chậm công bố khiến em thấp thỏm, lo có nhiều thay đổi”, Nguyễn Phúc (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đã quá nửa học kỳ 1 năm học 2024-2025, khá ít cơ sở giáo dục đại học công bố phương án tuyển sinh.
Điều này khiến nhiều học sinh lo lắng, thấp thỏm, băn khoăn liệu các trường đại học sẽ có thay đổi như thế nào trong phương án tuyển sinh.
Mong ngóng phương án từ các trường
Năm tới, Nguyễn Phúc dự tính đăng ký vào Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Hà Nội 2.
Hiện tại, mới chỉ có Sư phạm Hà Nội 2 đã công bố dùng 6 phương thức xét tuyển. Nam sinh đã có kế hoạch sẽ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (HSA) để xét tuyển vào trường này.
Tuy nhiên, đấy là phương án án 2. Phúc đặt là nguyện vọng 1 vào Sư phạm Hà Nội và dự tính dùng điểm thi đánh giá năng của trường này để xét tuyển chính. Vì thế, nam sinh sốt ruột chờ công bố đề minh họa kỳ thi năm tới.
“Năm nay, kỳ thi riêng hay chung cũng đều thi theo chương trình mới. Hiện tại, em mới ôn tập theo đề thi năm cũ nên lo ngại kỳ thi sẽ có nhiều nội dung mới”, nam sinh chia sẻ.
Trong khi đó, Bùi An (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) lại lo lắng không biết trường đại học yêu thích có thay đổi phương thức xét tuyển hay không. Ngoài 2 trường yêu thích, An tính xét học bạ vào Đại học Thủy lợi để “chống trượt”. Tuy nhiên, với xu hướng nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ, nam sinh lo trường này cũng không sử dụng.
“Mấy tháng nữa, Đại học Thủy lợi mới công bố bỏ phương thức này thì hơi nguy hiểm, em phải tính lại kế hoạch của mình”, nam sinh nói.
Bên cạnh đó, chưa biết các trường dùng phương thức nào, phân bổ chỉ tiêu ra sao để tuyển sinh, An cũng thấp thỏm, phân vân nên tập trung nhiều hơn cho kỳ thi riêng hay chung để xét tuyển đại học.
Nhật Lâm (học sinh lớp 12 tại TP.HCM) cũng chung lo lắng như An và Phúc. Nam sinh trông ngóng phương án tuyển sinh của Đại học Sư phạm TP.HCM bởi nghe nói năm nay, cơ cấu tính điểm xét tuyển của trường sẽ thay đổi, không giống các năm trước.
“Nếu điểm xét tuyển là tổng điểm của nhiều yếu tố, em phải chuẩn bị nhiều hơn”, Lâm cho hay.
Ngoài các vấn đề trên, tại các diễn đàn học sinh, nhiều em cũng bày tỏ băn khoăn về việc các cơ sở giáo dục đại học sử dụng tổ hợp tuyển sinh, khi đây là năm đầu tiên một số môn học tự chọn trở thành môn thi tốt nghiệp THPT. Liệu tổ hợp môn xét tuyển vào trường đại học mà các em mong muốn có tương thích với tổ hợp môn mà các em đã lựa chọn học hay không?
Chủ động chuẩn bị
Dù các trường chưa công bố phương án tuyển sinh 2025, cả Phúc, An và Lâm cho biết các em đều đã chủ động lên kế hoạch học tập. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới, cả ba nam sinh đều bắt đầu học từ hè lớp 11 để đỡ dồn dập khi bước vào lớp 12. Các em tham gia các lớp học thêm, mua các khóa học online để bổ sung kiến thức.
Ngoài ra, cả ba nam sinh cũng đã lên sẵn chiến lược để xét tuyển vào các trường đại học. Phương án các em đưa ra nhiều nhất là tham gia xét tuyển sớm ngoài thi tốt nghiệp THPT. Cả ba đều dự kiến tham gia kỳ thi riêng vì chắc chắn các trường sẽ sử dụng.
Nếu lịch kỳ thi riêng vẫn tương tự mọi năm, Nguyễn Phúc tính thi HSA vào tháng 3 để đăng ký vào Sư phạm Hà Nội 2. Sau đó, em sẽ thi đánh giá năng lực của Sư phạm Hà Nội vào tháng 5 và cuối cùng là thi tốt nghiệp THPT.
“Em lên lịch này từ hè lớp 11, chỉ thi 3 kỳ thi để tránh rối loạn”, nam sinh cho hay.
Hiện tại, Phúc đã bắt tay vào ôn thi HSA vì đã có đề minh họa. Với hai kỳ thi còn lại, lộ trình ôn thi sẽ tương tự nhau. Vì vậy, Phúc đang vừa học kiến thức mới, vừa ôn lại kiến thức cũ, chờ đến khi Sư phạm Hà Nội công bố sẽ ôn tập ngay.
Dù vậy, Phúc nói rằng việc Sư phạm Hà Nội chưa công bố đề tham khảo khiến em hơi thiếu tự tin về cách học của mình hiện tại. Nếu có thông tin sớm, em sẽ chủ động lựa chọn được cách học phù hợp với mình hơn.
"Cách học hiện tại của em đều theo đề thi đánh giá năng lực của các năm trước đó. Nếu năm nay đề thay đổi cấu trúc hoặc thay đổi về nội dung, việc học trước đó của em sẽ đi hơi lệch hướng", Phúc nói.
Nhật Lâm cũng tính đăng ký thêm hai kỳ thi riêng do Đại học Quốc gia TP.HCM và Sư phạm TP.HCM tổ chức vì nhận thấy phương án tuyển sinh những năm gần đây của nhiều trường đều sử dụng phương thức này.
Tuy nhiên, với sự thay đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Sư phạm TP.HCM, Lâm nói em khá chật vật khi ôn tập vì chưa quen thuộc.
Tương tự, với những thay đổi trong nội dung thi, Bùi An cũng nói rằng “hơi ngộp” với đề tham khảo thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội. Đề thi cũng có nhiều điểm mới như bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả phần thi, chủ đề thi; câu hỏi gắn với tình huống thực tiễn, tác phẩm ngoài sách giáo khoa…
Hiện tại, An vẫn đang tiếp tục học kiến thức lớp 12 ở trường. Sang tháng 12, nam sinh sẽ bắt tay vào ôn thi đánh giá năng lực vì kỳ thi này bắt đầu sớm hơn. Đến học kỳ 2, em sẽ tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.