A.NGUYÊN LIỆU:
- Vỏ bánh:
- 300g bột mỳ đa dụng
- 5g men nở (loại không kích hoạt)
- 50g bột bắp (hoặc bột năng hay bột nếp)
- 70g đường cát
- 20g dầu ăn hoặc bơ lạt
- 70g sữa tươi không đường lạnh
- 100g nước lạnh (có thể thay bằng sữa không đường)
(Bột rau củ tạo màu tuỳ thích)
Nhân bánh:
+ Nhân thịt
- 300g thịt nạc dăm
- 200g thịt mỡ gáy
- 15g nấm mèo (hoặc nấm hương)
- 20g củ xu hào (hoặc củ đậu)
- 50g hành tím
- 100g hành tây
- 40g cần tây (nếu có)
- 40g phần trắng của cây hành lá (không lấy phần lá xanh)
- 2 lòng đỏ trứng muối
- 1 cái lạp xưởng
- 2/3 muỗng canh Hạt nêm
- 1 muỗng canh đường
- 1/2 muỗng canh hạt tiêu xay
- 1 muỗng canh dầu hào
- 1 muỗng canh rượu nếp (hoặc mai quế lộ)
- 1 muỗng và phê bột bắp
(Nếu làm cho bé ăn thì không bỏ rượu)
+ Nhân đậu xanh
- 200g đậu xanh
- 70-80g đường
- 10g dầu ăn
B. CÁCH LÀM:
Vỏ bánh:
- Trộn đều hỗn hợp bột mì, bột bắp, men nở, muối, đường.
- Trộn tiếp dầu ăn, sữa và nước nhồi đến lúc thấy bột mịn, dẻo, lúc vo tròn lại không thấy vết giãn và sần sùi trên bề mặt khối bột là đạt. (Kinh nghiệm của mình là nhồi bột không nên nhồi quá mạnh mà cứ dàn bột và lăn tròn như sushi, rồi gấp khúc lại lăn tiếp… Làm liên tục như vậy bột sẽ mịn thôi ạ)
- Nếu bạn muốn thêm bột màu rau củ thì giai đoạn nhồi bột xong, chia phần bột nào cần thêm màu và nhồi lại cho đều màu là được (lượng bột màu thêm vào không nhiều nên không cần thêm nước, căn màu thấy thích là được).
- Sau khi bột mịn thì dùng khăn đậy bột và ủ bột 30 - 1 tiếng (tuỳ vào thời tiết). Ủ đến khi bột nở gấp đôi là được.
- Bột nở gấp đôi, đưa ra nhồi lại cho mịn và chia bột để gói nhân.
- Nếu muốn nặn hình thì sau khi bột nở gấp đôi, nhào bột cho mịn, dẻo và nặn hình luôn. Sau đó mới đem đi ủ và hấp.
+ Nhân bánh:
Nhân thịt
- Thịt và mỡ xay nhỏ, trộn đều và để trên ngăn đá 15–20 phút.
- Nấm ngâm nở và thái sợi mỏng hoặc hạt lựu tuỳ thích.
- Hành tím, hành tây, hành lá, cần tây, lạp xưởng thái hạt lựu để riêng.
- Su hào thái hạt lựu chần qua nước sôi và bóp khô nước.
- Lòng đỏ trứng muối bóp nhuyễn.
- Cho dầu ăn vào chảo, phi hành tím đầu tiên cho dậy mùi thơm, tiếp theo cho mộc nhĩ đảo đều và tắt bếp mới cho hành tây, tiếp là cần tây vào đảo (nhớ là tắt bếp mới cho 2 nguyên liệu tiếp theo vào, không được để chín quá). Sau đó hỗn hợp để nguội.
- Tiếp theo, lấy thịt ra và nhồi lại, cho từ từ từng nguyên liệu vào bao gồm: lạp xưởng, trứng muối và hỗn hợp xào lúc này và trộn đều.
- Nêm nếm hỗn hợp với: hạt nêm, đường, tiêu, dầu hào, rượu, bột bắp.
- Cuối cùng để hỗn hợp nhân nghỉ trong tủ mát tầm 15 - 20 phút trước khi viên tròn.
Nhân đậu xanh
- Ngâm đậu với nước nóng tầm 2 tiếng.
- Sau khi ngâm, đem đi rửa sạch 2 - 3 lần nước, cho vào 1 cái nồi, đổ nước xăm xắp và nấu chín mềm.
- Để đậu sau khi nấu chín hơi ấm, rồi đem đi xay nhuyễn với đường.
- Cho hỗn hợp sau khi xay vào chảo chống dính, thêm dầu ăn và mình sên đến đến khi nhân tạo thành khối không dính chảo là được (sên gần giống nhân bánh trung thu nhưng lỏng hơn chút).
- Để nhân nguội và viên tròn.
Hấp bánh:
Cắt giấy nến thành từng miếng hoặc mua cắt sẵn càng tốt. Nếu ở quê không mua được thì cắt lá chuối lót cũng được
Sau khi cho nhân vào vỏ bánh, đặt lên giấy nên và ủ 20-30 phút đến khi bánh nở gấp đôi.
Cho nước vào nồi hấp tầm 1/3 nồi đun sôi và để lửa vừa. Sau đó cho bánh vào hấp tầm 15 phút là bánh chín rồi ạ.
Một số kinh nghiệm đúc kết dành cho mọi người:
- Trong lúc nặn hình, nếu lỡ nặn lâu quá, phần bột chưa dùng sẽ nở thì đừng lo lắng, bạn cứ mang ra nhồi lại bằng cách lăn dài bột như sushi rồi gấp khúc và lại lăn-gấp... Làm vậy liên tục thì bột sẽ mịn dẻo trở lại ngay.
- Lúc hấp được 15 phút thì mở hé vung cho hơi bay ra từ từ và tầm 5 phút sau thì lấy bánh ra, để bánh vẫn giữ được mịn, không sần sùi.
- Lúc nặn hình chúng ta có thể sử dụng: hạt đậu đen, mè đen làm mắt của con vật.
- Bảo quản bánh bao trên ngăn đá được tầm 1 tháng. Lúc muốn ăn thì lấy ra để trong ngăn mát rã đông qua đêm và hôm sau hấp 10-15 phút là có thể ăn.
Chúc các mẹ thành công và mang lại niềm vui cho con trẻ trong mùa dịch này.
Nguồn: Fb Quynh Pham