Chất xơ đem lại rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Lượng chất xơ ảnh hưởng đến đường ruột và tiêu hóa, hệ miễn dịch, sự thèm ăn, tâm trạng… Vì vậy cần đảm bảo cung cấp đủ lượng chất xơ cho cơ thể mỗi ngày để có được sức khỏe và thể trạng tối ưu.
Những thực phẩm giàu chất xơ có lợi cho sức khỏe
Đậu cúc
Đậu cúc (đậu pinto) có chứa 15 g chất xơ cho một khẩu phần (khoảng 250 g). Đậu cúc giàu chất xơ và cũng là nguồn cung cấp protein tốt. Bạn có thể dùng đậu cúc vào món bánh, món hầm, súp, trộn salad.
Đậu nành
Trong 250 g đậu nành có chứa 11 g chất xơ. Đậu nành có hàm lượng phytoestrogen cao có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa. Loại đậu này có thể dùng cho món ăn nhẹ hoặc kết hợp với các món ăn khác.
Đậu Hà Lan
160 g đậu Hà Lan chưa nấu chín cung cấp cho cơ thể khoảng 21,5 g chất xơ. Đậu Hà Lan cũng là một nguồn cung cấp sắt tốt, cần thiết để vận chuyển oxy trong máu.
Bí đỏ
Bí đỏ có chứa 9 g chất xơ trong khẩu phần 250 g. Đây là nguồn cung cấp vitamin A với công dụng chống oxy hóa giúp giảm huyết áp cao, bệnh tim, phòng ung thư và có lợi cho tiêu hóa.
Ổi
Cũng như bí đỏ, trong 250 g ổi có chứa 9 g chất xơ. Ổi có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin.
Dâu tây
Dâu tây không chỉ để làm sinh tố, trộn chúng vào sữa chua hoặc ngũ cốc mà bạn có thể thêm vào món salad. 3 g chất xơ trong một cốc dâu tây 250 g.
Lựu
Ngoài giàu chất xơ, các hạt mọng nước của quả lựu chứa các đặc tính chống viêm có thể phòng chống lão hóa. Trong 250 g lựu có chứa 7 g chất xơ.
Cải xanh
Trong 250 g cải xanh có chứa 6 g chất xơ. Súp cải xanh là món ăn ngon, tốt cho sức khỏe tiêu hóa.
Bông cải
Loại rau phổ biến này rất dễ thêm vào các món hầm, món nướng hoặc món ăn nhẹ. Mỗi 250 g bông cải xanh có khoảng 2,5 g chất xơ, còn bông cải trắng là 5 g chất xơ. Bạn có thể sử dụng bông cải tươi hoặc đông lạnh đều bổ dưỡng.
Cà rốt
Cà rốt chứa vitamin A hỗ trợ sức khỏe của mắt, vitamin K và canxi có lợi cho xương. Loại củ này cũng tốt cho đại tiện vì chứa nhiều chất xơ (5 g chất xơ trong 250 g cà rốt).