Nhầm với cảm cúm
Chị Trần Thị Nhung (Hoài Đức, Hà Nội) đã chiến thắng căn bệnh ung thư vòm mũi họng được 5 năm nhưng chị lại bị biến chứng mù mắt do đợt điều trị bệnh này.
Chị Nhung kể thời gian đó chị thường xuyên cảm thấy ngạt mũi và chị mua thuốc về uống nhưng bệnh không tiến triển mà cứ dai dẳng mãi.
Nhiều khi chị đang làm thì thấy chảy máu cam, mỗi lần như thế chị Nhung lại lấy giấy thấm và hết. Đến khi chảy máu cam nhiều quá cầm không hết, chị được người làm cùng đưa ra phòng khám bên ngoài kiểm tra. Bác sĩ nội soi thấy u ở vòm mũi nên giới thiệu chị Nhung vào bệnh viện lớn kiểm tra kỹ hơn.
Chị Nhung vào Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vòm mũi họng.
Theo GS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm ung bướu và Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rất nhiều bệnh nhân khi đến khám trong tình trạng khối u đã phát triển và xâm lấn. Bệnh nhân thường nhầm với các bệnh lý khác đặc biệt là cảm cúm như ngạt mũi, nhức đầu.
GS Khoa cho biết ung thư vòm mũi họng là bệnh lý ác tính các tế bào niêm mạc và dưới niêm mạc vùng vòm mũi họng. Bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ và đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Ung thư vòm mũi họng có tiên lượng tốt nêú được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.
Tuy nhiên, ngay cả ở giai đoạn muộn thì việc điều trị cũng mang lại kết quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Bệnh có thể gặp nhiều nhất ở độ tuổi từ 40 - 60.
Dấu hiệu của bệnh
Nguyên nhân của ung thư vòm mũi theo GS Khoa chưa rõ ràng nhưng có các nghiên cứu cho rằng bệnh có liên quan đến vi rút Epstin - Bare EBV xét nghiệm kháng thể chống vi rút EBV cao ở một số bệnh nhân ung thư vòm mũi họng loại biểu mô không biệt hoá.
Nhiều trường hợp ung thư vòm mũi họng được phát hiện trong một gia đình ở những người có tỷ lệ tăng cao kháng nguyên HLA- A2.
Các yếu tố ngoài như môi trường sống, thức ăn như thực phẩm lên men, dưa khú, hút thuốc lá cũng là yếu tố thúc đẩy ung thư vòm mũi họng phát triển.
GS Khoa cho rằng dấu hiệu của ung thư vòm mũi họng không rõ rệt thường được vay mượn các bệnh khác. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có biểu hiện như nhức đầu có thể lan toả, âm ỉ thường đau một bên.
Dấu hiệu thứ hai là ù tai. Đa số ù một bên, ù tai như có tiếng ve sầu trong tai.
Dấu hiệu thứ ba là ngạt mũi một bên lúc nặng lúc nhẹ, đôi khi xì mũi ra máu.
Ở giai đoạn muộn, khối u đã phát triển tăng dần về kích thước, xâm lấn ra xung quanh nên bệnh nhân sẽ có dấu hiệu nhức đầu liên tục. Có lúc dữ dội, có điểm đau khu trú, ù tai tăng, nghe kém, giảm thính lực có thể điếc, ngạt mũi liên tục, chảy máu mũi không đáp ứng được với các điều trị thông thường.
Lúc này, bệnh nhân chỉ cần nội soi tai mũi họng, bác sĩ có thể phát hiện thấy khối u nằm ở trần vòm họng, ở thành bên hoặc lan rộng.
Giai đoạn muộn của ung thư vòm họng có thể gặp u đẩy lồi nhãn cầu, lan xuống họng miệng hoặc sùi ra ống tai ngoài. Để chẩn đoán chính xác ung thư vòm họng bác sĩ chỉ cần sinh thiết qua nội soi và chẩn đoán mô bệnh học.
Ngoài ra, một số người có nổi hạch cổ cùng bên với u nguyên phát, hạch ở góc hàm tổn thương sớm và hay ở góc nhất.
Với bệnh ung thư vòm mũi họng, ở Việt Nam Giáo sư Khoa cho biết có tới 90% bệnh nhân là đến muộn và tỷ lệ sống trên 5 năm với những bệnh nhân ở giai đoạn III, giai đoạn IV như thế chỉ đạt 15 %. Nếu dựa vào những dấu hiệu ban đầu sớm nhất lúc bệnh ở giai đoạn I, người bệnh có thể sống trên 5 năm tới 90%.
Để phòng ung thư vòm họng, theo GS Khoa cách tốt nhất là tránh tác nhân gây bệnh như hạn chế ăn các thực phẩm lên men như dưa khú, cá muối, hút thuốc lá, bia rượu. Tăng cường rau xanh và trái cây. Đặc biệt, GS Khoa nhấn mạnh cần có thói quen đi kiểm tra sức khoẻ thường xuyên để có thể sàng lọc bệnh một cách sớm nhất có thể.