Nhiều người trẻ mắc ung thư
Khoa Ngoại ổ bụng Bệnh viện K đã phẫu thuật cho bệnh nhi 10 tuổi, 6 tháng bị ung thư đại trực tràng. Theo người nhà của em bé, thấy con đau bụng nhiều nên đưa đi khám. Bác sĩ khám phát hiện cháu bé bị tắc ruột và nguyên nhân chính là do khối u ở lòng đại tràng.
Phẫu thuật sinh thiết giải phẫu bệnh cho kết quả ung thư đại tràng giai đoạn 3. TS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại ổ bụng, bệnh viện K trung ương cho biết đây là trường hợp rất đáng tiếc vì cháu bé đến viện quá muộn. Về sinh hoạt, cháu không có bệnh lý nào và người nhà cũng không ai mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay polyp có yếu tố gia đình.
TS Bình chia sẻ gần đây ông gặp rất nhiều bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng khi còn quá trẻ. Nếu những năm trước bệnh chỉ gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi thì đến nay những bệnh nhân trên 20 tuổi bị ung thư đại trực tràng không phải là hiếm.
Trường hợp của Nguyễn Văn Đ. 27 tuổi (Vân Đình, Hà Nội) bị ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn. Bác sĩ phải phẫu thuật cắt đoạn đại tràng và đưa ống hậu môn nhân tạo ra cạnh sườn cho Đ. Một năm sống chung với ung thư đại trực tràng, Đ. tâm sự cuộc sống dường như đóng cửa hết vì mặc cảm tự ti với ống hậu môn nhân tạo, anh không còn muốn giao tiếp với bạn bè.
Mẹ của Đ chăm con cũng là người thổi nghị lực cho thanh niên này. Bà luôn động viên con chiến đấu để kéo dài cuộc sống.
Những ngày đầu có triệu chứng của bệnh nhưng Đ chủ quan. Cậu chia sẻ ban đầu là những lần rối loạn tiêu hoá đi phân không đều cậu nghĩ do ăn uống. Mặc dù thay đổi thói quen ăn uống nhưng Đ. cũng không hết rối loạn tiêu hoá. Cậu thấy đi ngoài ra máu nên đến một phòng khám tư điều trị.
Bác sĩ chẩn đoán trĩ nội và cho thuốc điều trị. Uống hết thuốc cũng không khỏi. Chỉ đến khi đau bụng không chịu được Đ. mới đi khám. Nội soi bác sĩ chẩn đoán ung thư đại trực tràng khối u đã choán hết lòng trực tràng và xâm lấn ra gan và các bộ phận khác.
Đ. được phẫu thuật và tiến hành hoá chất cộng với xạ trị bệnh đã được khống chế, khối u không to ra và không di căn thêm.
Bệnh do đâu
TS Phạm Văn Bình cho biết ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư phổ biến nhất của đường tiêu hóa. Ở nước ta, ung thư đại trực tràng đứng vị trí thứ năm, sau ung thư phổi, dạ dày, vú, vòm, bệnh gặp ở cả hai giới.
Bệnh đang ngày càng trẻ hoá, theo TS Bình nguyên nhân ngoài các yếu tố do gen, di truyền thì qua khảo sát cho thấy, yếu tố nguy cơ gây bệnh khá cao ở nhóm những người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như ăn đồ cay, nóng, đồ nướng, chất kích thích, thực phẩm nhiều dầu mỡ, hút thuốc....
Đó cũng là một trong những lý do khiến căn bệnh ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Những nước có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Singapore... tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng tăng lên rõ rệt nhất.
Tuy nhiên, đây không phải là điểm đáng lo ngại duy nhất đối với căn bệnh này. Điều mà các chuyên gia, bác sĩ luôn phải đau đầu đó chính là bệnh ung thư đại trực tràng còn chưa được phát hiện sớm. Đặc biệt, là ở những người có tâm lý chủ quan với sức khỏe, coi thường những triệu chứng thông thường.
Một lý do khiến căn bệnh khó phát hiện sớm là do có triệu chứng dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác như bệnh trĩ, bệnh viêm ruột thừa, kiết lỵ… do những triệu chứng tiêu hóa thay đổi, đại tiện có máu, tiêu chảy, phân nhày… Chính vì thế, có không ít bệnh nhân do nhầm lẫn mà tự dùng các loại thuốc điều trị các loại bệnh đó. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình điều trị ung thư trực tràng mà còn gây nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe.
Do đó, TS Bình khuyến cáo khi có các dấu hiệu như mót rặn, đau quặn bụng, phân nhầy mũi cần đi khám ngay.
Một số trường hợp sờ thấy khối u qua thành bụng lúc này bệnh ung thư đã ở giai đoạn muộn hơn. TS Bình cho biết hãy loại các yếu tố nguy cơ gây bệnh là cách tốt nhất phòng căn bệnh này.