1. Xuân, cô bạn tôi, vừa gửi đơn ly hôn lên Tòa án nhân dân Q.2. Vì là chỗ quen biết, sau khi đọc đơn, thẩm phán hướng dẫn Xuân viết lại, sao cho nguyên nhân thể hiện được mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, không hóa giải được. “Nhưng bọn mình có mâu thuẫn gì đâu” - Xuân khổ sở nói.
Chuyện khởi nguồn từ một đêm chồng ngủ ngon, Xuân thở dài, rón rén bước ra ban-công. Dành ba giờ ngẫm lại cuộc chung sống, Xuân bỗng thấy… bế tắc, loay hoay giữa hai lựa chọn: ở tiếp thì tội mình, mà chia tay thì lại thấy tội người.
Chìm trong cảm giác buồn chán, Xuân vô tình đánh rơi chiếc điện thoại xuống sân. Sáng ra, nhìn điện thoại vợ vỡ toang, Tân - chồng Xuân - ngạc nhiên: “Sao thế?”. “Vỡ thôi”. “Ừ, vỡ thì thôi. Em thích loại nào thì mua mới đi”. Cố kìm giữ cảm giác muốn tung hê, Xuân đợi chồng đi làm rồi… viết đơn ly hôn.
Thà rằng Tân ngoại tình hay phạm một lỗi nào đó không thể tha thứ. Thà là Xuân yêu ai khác hoặc có kế hoạch về cuộc đời tự do. Đằng này, chẳng có nguyên nhân gì lớn lao theo cách của mọi người hay nói là sẽ khiến hôn nhân tan vỡ. Nhưng Xuân lý luận: “Mình không còn thấy vui.
Cuộc chung sống của bọn mình cứ qua ngày, nhàn nhạt, chẳng có gì thú vị”. Xuân chảy nước mắt theo sự quẫy đạp của bi kịch… tẻ nhạt. Cô bắt đầu bằng ưu điểm của chồng: Tân thương vợ, chẳng thói tật, hiếm khi về muộn để vợ con phải chờ cơm; anh còn biết phụ vợ chăm con và san sẻ việc nhà.
Tôi truy hỏi nguyên nhân của cảm giác thấy hôn nhân nhàn nhạt, Xuân tình thật, “hình thái” mối quan hệ bây giờ khác quá - bình lặng đến mức khiến họ không biết có còn yêu thương nhau.
Cô thấy mất mát, thiếu khuyết. Cảm giác hụt hẫng trong 7 năm hôn nhân không ngừng đeo bám khi Xuân nghĩ về Tân của những tháng ngày xưa cũ: tin nhắn ngọt ngào chúc ngủ ngon, món quà bất ngờ trong cuộc hẹn, lo lắng khi Xuân mệt…
Khẽ khàng nhắc chuyện chiếc điện thoại, Xuân co người đau đớn: “Giá như Tân hỏi mình thích chiếc điện thoại ra sao rồi cùng nhau đi mua hoặc mua cái mới tặng mình. Tân bây giờ là vậy, không còn quan tâm đến cảm xúc của mình”.
2. Hóa ra, vẫn là chuyện… hôn nhân - mồ chôn của tình yêu, khi sự lãng mạn, quan tâm, nhìn ngó nhau giảm dần. Tôi nhớ phiên thuận tình ly hôn của một cặp vợ chồng, diễn ra ở Tòa án nhân dân H.Bình Chánh, hồi giữa tháng 11.
Người vợ đến tòa, nói rằng không còn chút cảm xúc nào với chồng. Chị chẳng biết từ bao giờ, vợ chồng sống bên nhau như hai người lạ, cùng nhà, chung nhau những trách nhiệm phải lo. Người chồng, thoạt đầu không chấp nhận ly hôn.
Anh khẳng định hiểu hết những gì vợ cần, chỉ… không thể đáp ứng: “Vợ luôn cho rằng tôi không yêu cô ấy, dựa trên chuyện tôi không thể thu xếp đưa cô ấy đi chơi, ít quan tâm và thường bỏ mặc vợ lủi thủi tự vui với chính mình”.
Bước vào hôn nhân, ai chẳng mang theo hy vọng, tin tưởng đó sẽ là hành trình duy trì… ổn định sự nồng nàn, say đắm, nguyên vẹn tình cảm lẫn cảm giác được yêu bằng những ứng xử, đối đãi, thể hiện không thay đổi của bạn đời.
Trong sự kỳ vọng đó, người chồng thường trở thành… nạn nhân hơn. Anh phải giữ được sự lãng mạn, ga lăng như ngày còn “tán tỉnh”, phải thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu, kỳ vọng thuộc về đời sống tâm hồn của vợ mình.
3. Bỏ qua chuyện áo cơm, nỗi nhọc nhằn gánh vác thì đặc tính “chinh phục” của đàn ông thường khiến họ… ngủ quên trên chiến thắng. Ít ông tin rằng, để giữ hạnh phúc, khiến vợ hạnh phúc, đồng nghĩa với việc anh phải luôn chinh phục, theo đuổi suốt đời người đàn bà vốn đã… là của mình.
Thế nên, ngày càng nhiều phụ nữ nhận ra nỗi khổ tâm, chán chồng trong một ngày đẹp trời thay kiểu tóc, mặc chiếc váy mới toanh vẫn như vô hình trước chồng. Sự hụt hẫng đẩy chị em vào so sánh, nhận ra giữa anh của hôm qua - hôm nay là sự chua chát, tủi hờn.
Có khó gì đâu một lời khen, cái trố mắt bày tỏ sự thích thú - những thứ đủ khiến vợ thấy hạnh phúc, cảm giác được yêu. Hay, nhìn thấy không ít chị hân hoan đăng lên Facebook tấm ảnh khoe được chồng tặng hoa tai, vừa trải qua chuyến du lịch hấp hôn hay tấm ảnh chụp màn hình điện thoại sến sẩm: “Nhớ vợ, em ăn cơm chưa?” - như thể ngầm tuyên ngôn cho bí quyết hạnh phúc; càng khiến những bà vợ không còn được chinh phục thấy xót xa, tủi phận.
Suy cho cùng, lỗi... hôn nhân tẻ nhạt đâu hoàn toàn thuộc về các ông. Việc nương nhờ, gửi gắm cảm giác vui sướng, hạnh phúc của các bà vào những khoảnh khắc chồng mang đến - được đồng hóa bằng đối đãi, biết làm điều lãng mạn, thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu trong hôn nhân - rõ ràng nguy hiểm cho chính các bà, do các bà tự chuốc.
Trong cuộc chung sống, vốn dĩ không ai, không người bạn đời nào phải có trách nhiệm “mua vui”, đáp ứng những thiếu khuyết trong tâm hồn người khác. Thử không kỳ vọng hoặc biết “phản bội” lại những kỳ vọng vào những điều từng khiến các bà hứng thú, tin tưởng khi bước vào hôn nhân, ít nhiều không phải để hủy hoại mà là để cứu vớt cuộc hôn nhân… tẻ nhạt đến êm đềm, ổn định.