Thông tin này được Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết sáng 20-3. Bệnh nhân là bà N.T.H (58 tuổi, ngụ quận 5, TP HCM).
Làm công việc buôn bán tạp hóa, bà H. phải đi lại rất nhiều và bị đau mỏi gối nhiều năm nay. Tuy nhiên, bà chỉ mua các loại thuốc giảm đau, tự dán các loại cao để cắt cơn đau chứ không điều trị. Cách đây 3 tháng, những cơn đau khớp gối trầm trọng hơn khiến bà không thể đi đứng, phải nghỉ luôn việc buôn bán.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược, bà được chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối và được chỉ định điều trị bằng thuốc, giảm cân kèm theo áp dụng các bài tập vật lý trị liệu, thay đổi thói quen vận động. Sau đó, triệu chứng bệnh đã giảm nhiều, bà có thể đi lại tốt hơn, quay trở lại công việc buôn bán hằng ngày. Sau 3 tháng điều trị, bà được chỉ định ngưng thuốc, song vẫn duy trì các bài tập vật lý trị liệu phù hợp.
BS CKI Cao Thanh Ngọc, Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết hơn 60% người bệnh đến khám tại đây gặp vấn đề về thoái hóa khớp. Thế nhưng, có một số ít người, nhất là người bệnh ở vùng nông thôn vẫn tự điều trị bệnh bằng phương pháp truyền miệng, các loại thuốc gia truyền mà không tìm đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị chính xác từ các bác sĩ. Do đó, đã có nhiều trường hợp bị biến chứng như cứng khớp, dính khớp, thậm chí tàn phế.
"Thoái hóa khớp không được điều trị kịp thời thì nguy cơ bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn, khả năng đáp ứng điều trị thuốc kém hơn so với lúc vừa mới mắc bệnh, dẫn đến việc phục hồi chức năng khớp gặp nhiều khó khăn" - BS Ngọc khuyến cáo.
Nhằm cung cấp cho cộng đồng kiến thức y khoa phòng ngừa thoái hóa khớp gối và cập nhật những phương pháp mới điều trị bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược tổ chức chương trình tư vấn bệnh này cho người dân. Thời gian là vào 8-12 giờ ngày 25-3 tại Giảng đường 3A, lầu 3, khu A Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP HCM).