Một số người cho rằng mình có thể dễ dàng loại bỏ căng thẳng như một chuyện cỏn con, không có gì khó khăn. Họ bảo: "Chỉ là stress thôi mà!" Nhưng các bạn có biết những triệu chứng của nó có thể xuất hiện trên khuôn mặt của mình?
Da khô, hình thành nếp nhăn và mụn trứng cá chỉ là một vài biểu hiện ban đầu. Hãy đọc tiếp để biết căng thẳng có thể ảnh hưởng đến khuôn mặt của bạn như thế nào.
Ảnh hưởng của stress lên da mặt và tóc
1. Mụn: Bạn sẽ sản sinh ra nhiều cortisol hơn khi bị căng thẳng. Vùng dưới đồi sẽ sản xuất ra CRH (hormone giải phóng corticotrophin) để phản ứng lại với cortisol. CRH sẽ kích thích sản sinh dầu của các tuyến bã nhờn xung quanh nang lông. Và dầu nhờn sinh ra bởi các tuyến này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn.
2. Bọng mắt: Sự xuất hiện của bọng mắt là do sưng hoặc bọng nước dưới mí mắt. Khi ta càng lớn tuổi, chúng càng trở nên nghiêm trọng hơn do các cơ hỗ trợ mắt bị yếu đi. Ngoài ra, do thiếu ngủ (một triệu chứng phổ biến của căng thẳng) mà các nếp nhăn, sự suy giảm độ đàn hồi và sắc tố không đồng đều ở vùng da dưới mắt cũng xuất hiện.
3. Nếp nhăn: Căng thẳng sẽ khiến các protein trong da của bạn thay đổi và làm giảm độ đàn hồi của chúng. Mất đi độ đàn hồi có thể dẫn đến sự hình thành của các nếp nhăn.
4. Mẩn đỏ: Căng thẳng sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn. Hệ thống miễn dịch suy yếu có thể dẫn đến chứng loạn khuẩn, sự mất cân bằng của các vi khuẩn ở trong ruột và da. Bất cứ khi nào sự mất cân bằng này xảy ra, trên da của bạn có thể sẽ xuất hiện mẩn đỏ hoặc phát ban.
5. Khô da: Ở lớp ngoài cùng của da có một số protein và lipid đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước cho các tế bào da. Chúng cũng đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ lớp màng da bên dưới. Nếu lớp ngoài không hoạt động bình thường (do căng thẳng), da của bạn sẽ trở nên khô và ngứa.
6. Đỏ bừng mặt: Thói quen thở của bạn có thể sẽ thay đổi do căng thẳng. Những thay đổi này sẽ khiến da mặt bạn đôi khi sẽ trở nên ửng đỏ.
7. Đau môi: Căng thẳng thường khiến ta nhai trúng phần bên trong miệng hoặc môi, dẫn đến bị đau môi.
8. Tóc bạc và rụng tóc: Có một sự thật là căng thẳng có thể khiến tóc bạn bị bạc. Các nhà khoa học chỉ mới phát hiện ra lý do đằng sau việc này trong thời gian gần đây. Sắc tố melanin được sản xuất bởi các tế bào gọi là tế bào biểu bì tạo hắc tố và chịu trách nhiệm tạo màu cho tóc của bạn. Căng thẳng sẽ làm gián đoạn quá trình sản xuất này và cả chu kỳ phát triển của tóc, gây ra một tình trạng gọi là telogen effluvium, khiến cho tóc rụng nhiều.
Một số mẹo để quản lý căng thẳng
- Hãy làm cho mình cười nhiều hơn vì khi cười ta sẽ giải phóng endorphin giúp cải thiện tâm trạng và giảm nồng độ hormone gây ra căng thẳng cortisol và adrenaline
- Thử phương pháp trị liệu bằng hương thơm bằng cách thắp một vài ngọn nến thơm
- Nhấm nháp một chút nước ấm
- Dành thời gian chơi cùng những chú thú cưng bốn chân dễ thương
- Thử liệu pháp xoa bóp, mát xa
- Hạn chế tiêu thụ caffein
- Viết ra suy nghĩ và cảm xúc của bản thân
- Nhai kẹo cao su
- Dành thời gian bên những người thân yêu
- Ôm, hôn và âu yếm cùng một người khác là những cách giảm căng thẳng rất nhanh chóng (theo các nghiên cứu)
- Hít thở sâu