Củ đậu biết đến với tên khác là sắn nước, củ sắn. Củ đậu vị ngọt thanh, có thể dùng ăn sống trực tiếp, ép nước hoặc chế biến thành các món ăn mặn.
Củ đậu là món ăn vặt được nhiều người Việt ưa thích. Thành phần chính của loại củ này là nước (chiếm đến 80-90%). Ngoài ra, trong củ đậu còn có 4,51% đường glucoza, 2,4% tinh bột, các loại vitamin và muối khoáng khác như: sắt, canxi, photpho, vitamin C... cần thiết cho cơ thể.
Củ đậu chứa nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp dạ dày co bóp tốt. Thích hợp với bà bầu và người thừa cân. Bên cạnh đó, nhờ tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên loại củ này có tác dụng làm đẹp da hiệu quả.
Chống oxy hóa: Trong củ đậu có chứa vitamin C, E và beta - carotene đều là những chất chống oxy hóa tốt nên sẽ ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do làm tổn thương đến tế bào và gây hại cho cơ thể.
Tăng sức khỏe cho hệ tim mạch: Chất xơ và vitamin C hòa tan trong củ đậu có khả năng đánh tan cholesterol trong máu nên sẽ ngăn ngừa nguy cơ đối với bệnh về tim mạch, nhất là bệnh đột quỵ. Bên cạnh đó, kali trong củ đậu còn hỗ trợ thư giãn cho mạch máu nên mang lại tác dụng hạ huyết áp khá tốt.
Lợi cho hệ tiêu hóa: Củ đậu có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, giúp cho dạ dày co bóp tốt, lợi cho đại tiện. Ngoài ra, củ đậu chứa hoạt chất đóng vai trò như một chất kiềm làm mát hoặc giúp axit dạ dày thẩm thấu nhanh chóng.
Hỗ trợ giảm cân: Mặc dù có lượng khoáng chất và vitamin cao nhưng củ đậu lại rất ít calo. Vì thế, với những người giảm cân, có thể chọn củ đậu cho một bữa ăn nhẹ để giảm cảm giác thèm ăn và tăng cảm giác no lâu. Đặc biệt, prebiotic của củ đậu giúp cho quá trình tiêu hóa trở nên dễ dàng, quá trình giảm cân vì thế không bị thừa calo hay thừa chất.
- Người đang giảm cân không được ăn củ đậu thay cơm
Mặc dù củ đậu có thể hỗ trợ giảm cân nhờ vào hàm lượng khoáng chất, vitamin và chất xơ mà nó sở hữu nhưng không đủ để cung cấp mọi nhu cầu dinh dưỡng trong ngày của cơ thể. Nếu chỉ chọn củ đậu ăn giảm cân thì sẽ dễ mệt mỏi, uể oải, làm việc và học tập không hiệu quả, sức khỏe cũng giảm sút.
- Không ăn quá nhiều củ đậu
Củ đậu rất nhiều nước nên nếu ăn no sẽ làm cho dạ dày giãn rộng ra, căng phồng, tăng tiết dịch và tăng cảm giác thèm ăn. Đã có nghiên cứu cho thấy người bị đau dạ dày không nên ăn củ đậu vì tiêu thụ nhiều củ đậu có thể kích thích các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, cơ thể bị suy yếu.
- Không được ăn lá và hạt củ đậu
Hai bộ phận này của cây củ đậu chứa rotenon và tephrosin khi ăn vào dễ gây ngộ độc, co giật, đau bụng, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim và suy hô hấp. Các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn hạt hoặc lá củ đậu khoảng 5 - 40 phút và tiến triển rất nhanh sau đó 2 - 5 giờ, nếu không được cấp cứu ngay có thể đe dọa tính mạng.