Phụ Nữ Sức Khỏe

Vợ chồng xúc phạm nhau rồi cùng bị phạt 22,5 triệu đồng: ‘Cơm sôi bớt lửa’ cho… đỡ tốn tiền

“Bát đũa còn có khi xô”, vợ chồng cãi nhau là chuyện thường gặp, nếu không quá nghiêm trọng, “cơm sôi bớt lửa” để giữ hòa khí trong gia đình, tránh bị xử phạt như vụ hai vợ chồng xúc phạm nhau.

Mới đây, tại Quảng Bình, một cặp vợ chồng xúc phạm nhau, đánh nhau nên bị phạt tổng cộng 22,5 triệu đồng.

Ông N.T.S đã có hành vi đánh đập vợ là bà T.T.M.H dẫn đến thương tích, đồng thời xúc phạm danh dự bà H nên bị phạt hành chính 15 triệu đồng.

Đối với bà H., vì đã có lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng đối với ông S nên cũng bị phạt 7,5 triệu đồng.

Thông tin hai vợ chồng xúc phạm nhau bị xử phạt hành chính nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc, đa số cho rằng mâu thuẫn vợ chồng là câu chuyện hàng ngày, nếu không có gì nghiêm trọng thì “Chồng giận thì vợ bớt lời – Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.

Mỗi người bớt một chút

“Cuộc sống bon chen, xô bồ khiến không ít cặp vợ chồng rơi vào tình cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Trong lúc cãi nhau, sự nhẫn nhịn đóng vai trò rất quan trọng để giữ hòa khí và tránh đẩy mâu thuẫn đi xa hơn. Khi cả hai đang nóng giận, lời nói hay hành động bộc phát thường dễ làm tổn thương đối phương, thậm chí gây hối tiếc sau này. Như câu chuyện trên cũng thế, số tiền nộp phạt vì hành vi hai vợ chồng xúc phạm nhau có thể mua được chiếc áo mới cho con mặc Tết, mua thêm thịt cá, vun vén cho bữa ăn gia đình,... nếu câu chuyện không quá nghiêm trọng thì mỗi người nhịn một chút” – bạn đọc Võ Trinh.

“Tôi nhớ có lần hai vợ chồng cãi nhau to vì một chuyện chẳng đâu vào đâu. Hình như là tôi quên không đổ rác đúng giờ, mà cô ấy đã nhắc tôi mấy lần rồi. Đi làm về mệt nên ai cũng trong tâm thế muốn nảy lửa, vô tình hai vợ chồng xúc phạm nhau. Nhưng tôi kịp dừng lại, nghĩ bụng “thắng được vợ mà mất hạnh phúc thì chẳng đáng” nên lại dỗ dành, xin lỗi. Phụ nữ nếu mình biết lỗi, nhẹ nhàng thì người ta cũng dịu lại nhanh thôi. Nhịn vợ không làm người chồng yếu đi, mà ngược lại, đó là cách thể hiện sự bao dung và tôn trọng vợ. Sau mỗi lần như vậy, tôi càng hiểu rằng hạnh phúc gia đình không phải ở chỗ ai đúng ai sai, mà là ở cách chúng ta gìn giữ và vun đắp nó từng ngày” – bạn đọc Hùng Nguyễn.

Là phụ nữ, ai chẳng có lúc giận chồng. Nhưng tôi hay tự nhủ: "Lùi một bước, biển rộng trời cao". Vậy nên, mỗi lần cãi nhau, tôi lại cố gắng nhịn. May mắn là chồng tôi biết điểm dừng, thấy vợ nhịn là cũng tự nguôi cơn giận. Nếu cãi nhau vì những câu chuyện hàng ngày, chưa có bạo lực, xô xát thì làm vợ, nhiều khi mình nhẫn nhịn một chút thì chồng sẽ tự nhận ra lỗi sai và biết cách thay đổi. Quan trọng nhất, cãi nhau để hiểu nhau chứ không phải để hơn thua – bạn đọc Phạm Thơ.

Áp dụng 3T để tránh đẩy cao mâu thuẫn

Nêu quan điểm về vụ việc, ThS Đinh Văn Mãi, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết tình trạng này phản ánh mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết một cách lành mạnh, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật từ cả hai phía. Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm và hành hung trong gia đình là hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả của hành vi này không chỉ dừng lại ở mức phạt mà còn để lại vết thương tinh thần và sự rạn nứt lâu dài. Do đó, cả hai cần được hỗ trợ để xây dựng lại mối quan hệ.

Cũng theo ThS Mãi, mâu thuẫn trong gia đình là điều khó tránh khỏi, do đó cách xử lý mâu thuẫn quyết định rất lớn đến việc duy trì hạnh phúc gia đình. Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, cả hai cần xây dựng rõ quy tắc ứng xử trong gia đình bằng việc sử dụng từ ngữ lịch sự, giao tiếp cởi mở. Khi đối diện trước mâu thuẫn hoặc cảm thấy sắp mất kiểm soát, hãy xin phép đối phương tạm dừng cuộc trò chuyện và hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Sau đó, cùng đối phương nhìn nhận lại nguyên nhân, chủ động nhận lỗi và học cách tha thứ.


ThS Đinh Văn Mãi, giảng viên Trường ĐH Văn Lang.

Khi xảy ra tranh cãi, ThS Mãi khuyên các cặp vợ chồng áp dụng nguyên tắc STOP để “nhịn” nhau, cụ thể:

- Stop: Dừng ngày hành động hay lời nói gây căng thẳng, mâu thuẫn để ngăn chặn tình huống xấu có thể xảy ra.

- Sẻ chia: sử dụng lời nói chân thành, lịch sự để giải quyết vấn đề.

- Tỉnh táo: giữ sự bình tĩnh khi chia sẻ, loại bỏ cảm xúc tức giận.

- Ôn hòa: hướng đến giải pháp ôn hòa trên cơ sở tôn trọng nhau.

- Phòng ngừa: không để những tình huống tương tự phát sinh và xây dựng quy tắc ứng xử lịch sự.

Hôn nhân bền vững đến từ cả hai phía và rất cần sự kiên nhẫn, nhường nhịn và hợp tác. Đừng vì một phút mất kiểm soát mà đẩy mâu thuẫn lên tới cao trào và đưa nhau ra pháp luật. Hậu quả sẽ là sự tổn thương sâu sắc trong mối quan hệ và cần nhiều thời gian để hàn gắn.

“Vì vậy, tôi nghĩ các cặp vợ chồng có thể áp dụng 3T gồm Tôn trọng – Thấu hiểu – Tham vấn. Tôn trọng giúp duy trì sự công bằng, tránh làm tổn thương nhau. Thấu hiểu giúp đôi bên đặt vào vị trí của nhau để cảm thông, gỡ rối mâu thuẫn. Tham vấn chuyên gia tâm lý là giải pháp an toàn khi cả hai không tự mình giải quyết được mâu thuẫn” – ThS Mãi chia sẻ.

 
Theo Trần Minh/Báo Pháp luật TPHCM

Tin liên quan

Đi bộ buổi tối trước hay sau khi ăn tốt hơn?

Đi bộ buổi tối trước hay sau bữa ăn đều mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Trữ đông trứng tốn bao nhiêu tiền?

Tôi năm nay 30 tuổi và chưa có kế hoạch kết hôn trong thời gian tới nên dự định trữ...

Tiêm vaccine cúm có ảnh hưởng đến thai nhi?

Tôi đang mang thai và có ý định đi tiêm vaccine cúm. Xin hỏi bác sĩ việc này có an...

Loại vi khuẩn dễ mắc khi ăn thịt gia cầm sống

Gia đình tôi nuôi rất nhiều gà, vịt. Tôi được biết ăn những loại thịt này rất dễ nhiễm khuẩn...

Trường hợp có nguy cơ cao gặp biến chứng do cúm

Gần nhà tôi có người phải nhập viện vì mắc cúm. Tôi rất lo lắng khi gia đình tôi có...

Mẹ bầu mắc viêm gan C có lây cho con?

Tôi đang mang bầu được 5 tháng tuổi thì phát hiện mắc viêm gan C. Xin hỏi tôi có thể...

Dấu hiệu đã đến lúc trẻ cần được tẩy giun

Dạo gần đây tôi thấy con ăn uống kém, hay kêu đau bụng và thấy ngứa hậu môn. Xin hỏi...

Tin mới nhất

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình