Khi được xét nghiệm là bé "bị nhiễm H.P" thì ba mẹ lại càng hốt hoảng.
Thực sự "nhiễm H.P" chưa hẳn là bé bị "viêm dạ dày do H.P", việc chẩn đoán và điều trị ở trẻ em cũng không giống ở người lớn, và không có việc "điều trị dự phòng" như các bậc phụ huynh lầm tưởng.
Nhiễm Helicobacter pylori (H.P) là gì?
Là tình trạng dạ dày bị lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Khoảng một nửa dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn này. Ở các nước Đông Nam Á, tỉ lệ nhiễm H.pylori trung bình khoảng 55-60%.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2001, hơn 70% người lớn khoẻ mạnh nhiễm H.P, ở trẻ em tỷ lệ nhiễm thấp hơn và xuất hiện cả ở trẻ dưới 2 tuổi.
Phần lớn những người bị nhiễm H.P không có triệu chứng gì và sẽ không phát triển thành bệnh lý. Nghĩa là, cơ thể có thể sống "hoà bình" với vi khuẩn này mà không có vấn đề gì về sức khoẻ.
Tuy nhiên, ở một số người, nhiễm H.P lại dẫn đến các vấn đề như viêm loét dạ dày hoặc tá tràng, ung thư dạ dày (ít gặp).
Nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em?
Tỉ lệ trẻ em bị nhiễm khuẩn H.P ngày càng tăng. Theo kết quả điều tra dịch tễ học năm 2016, tỉ lệ trẻ nhiễm khuẩn H.P tại Việt Nam là khoảng 40%, và trẻ có xu hướng nhiễm H.P từ rất sớm và tỉ lệ nhiễm H.P tăng nhanh nhất trong giai đoạn trẻ ăn dặm và đi nhà trẻ (2-6 tuổi).
Nguyên nhân lây nhiễm H.P là từ người sang người (qua đường miệng-miệng, phân-miệng, dạ dày-miệng), trong khi trẻ em lại chưa biết giữ gìn vệ sinh ăn uống, kèm với thói quen ăn uống chung, người lớn thường ôm hôn trẻ cũng có thể dẫn tới tình trạng trẻ bị nhiễm vi khuẩn H.P từ người lớn.
Các triệu chứng của nhiễm H.P là gì?
Hầu hết những người bị nhiễm H.P không có triệu chứng kể cả người lớn và trẻ em.
Các triệu chứng biểu hiện hầu như là do tình trạng viêm loét dạ dày gây ra:
- Đau hoặc khó chịu ở bụng trên,
- Cảm thấy no, đầy bụng khó tiêu dù mới ăn một lượng nhỏ thức ăn,
- Chán ăn, sụt cân,
- Buồn nôn hoặc nôn,
- Đi cầu phân đen,
- Xanh xao, chóng mặt, mệt do thiếu máu.
Làm cách nào để chẩn đoán H.P?
Các test để chẩn đoán H. P bao gồm:
1. Nhóm xét nghiệm xâm lấn: Nội soi dạ dày để làm sinh thiết – mô học, urease test, cấy;
2. Nhóm xét nghiệm không xâm lấn: xét nghiệm phân, Test hơi thở, xét nghiệm máu, nước tiểu, nước bọt.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tổ chức Tiêu hóa – Gan mật – Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu và Bắc Mỹ (ESPGHAN & NASPGHAN) 2011, tất cả trẻ đau bụng cần được khám lâm sàng và làm xét nghiệm loại trừ nguyên nhân đau bụng ngoài đường tiêu hóa trước khi làm test chẩn đoán nhiễm H.P, không làm đại trà các xét nghiệm để "tầm soát" H.P ở trẻ em.
Những trẻ cần được tầm soát H.P gồm:
1. Trẻ có loét đường tiêu hóa phát hiện qua nội soi hoặc XQ cản quang đường tiêu hóa,
2. Trẻ có ba mẹ bị ung thư dạ dày,
3. Trẻ có thiếu máu thiếu sắt kháng trị đã loại trừ các nguyên nhân khác,
4. Trẻ đau bụng mạn gợi ý viêm loét dạ dày tá tràng.
Do đó, không phải bé nào đau bụng cũng sẽ được làm xét nghiệm chẩn đoán H.P, và dù trong nhà có người bị nhiễm H.P nhưng bé khoẻ mạnh, không có triệu chứng thì cũng không làm xét nghiệm.
Điều trị nhiễm H.P như thế nào?
Để điều trị H.P cần có sự phối hợp thuốc bao gồm ít nhất 2 loại thuốc kháng sinh kèm theo thuống kháng hoặc ức chế axit dạ dày, liệu trình kéo dài ít nhất 2 tuần, có thể lâu hơn.
Tuy nhiên, việc điều trị nhiễm khuẩn H.P ở trẻ rất khó khăn bởi các nguyên nhân:
- Khó tuân thủ điều trị: Khi sử dụng phác đồ tiệt trừ H.P, bệnh nhân có thể gặp những tác dụng phụ như đắng miệng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa …khiến trẻ rất khó tuân thủ điều trị với phác đồ điều trị thường uống dài ngày;
- Tỉ lệ trẻ tái nhiễm H.P ở trẻ khá cao: Theo nghiên cứu, tỷ lệ tái nhiễm H.P có thể lên đến hơn 50% sau 12 tháng ở những trẻ 3-4 tuổi đã được điều trị thành công;
- Vi khuẩn H.P kháng kháng sinh: làm suy giảm hiệu quả của các phác đồ điều trị.
Vì vậy, việc điều trị cần có sự tư vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ và sự tuân thủ của bệnh nhân.
Chỉ định điều trị H.P ở trẻ là khi:
- Trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng có xét nghiệm H.P dương tính,
- Trẻ có tiền sử bị loét dạ dày tá tràng trước đây, hiện xét nghiệm H.P dương tính,
- Viêm teo dạ dày kèm chuyển sản ruột (chẩn đoán bằng nội soi làm sinh thiết giải phẫu bệnh),
- Trẻ được nội soi dạ dày có viêm dạ dày, H.P dương tính kèm theo ba hoặc mẹ bị viêm loét hoặc ung thư dạ dày,
- Đối với trẻ có triệu chứng lâm sàng gợi ý bệnh lý dạ dày tá tràng, dù có H.P (+) qua test hơi thở hoặc test phân cũng cần được làm nội soi tiêu hóa trước khi quyết định điều trị (xét nghiệm máu không dùng để chẩn đoán và điều trị H.P).
Phòng ngừa nhiễm H.P như thế nào?
Hiện nay chưa có vaccin phòng ngừa H.P. Để hạn chế việc lây nhiễm H.P, gia đình cần chú ý:
- Vệ sinh tay sạch sẽ,
- Đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, dụng cụ chế biến sạch sẽ,
- Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống: gắp chung tô canh, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén gia vị, uống chung ly nước, mớm thức ăn cho trẻ …,
- Không dùng chung bàn chải đánh răng, ly cốc, đồ dùng vệ sinh cá nhân …,
- Người lớn nhiễm H.P nên hạn chế nấu ăn, nêm nếm, đút thức ăn cho trẻ, không hôn trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ khám bác sĩ?
Đưa trẻ đi khám ngay nếu:
- Đau bụng nhiều,
- Ói ra máu,
- Đi tiêu ra máu, hoặc tiêu phân đen sệt,
- Trẻ có cơn đau ở vùng bên dưới xương sườn, đau giảm sau ăn.
Tuy nhiên, cần lưu ý không phải cơn đau dạ dày đều do vi khuẩn H.P gây ra mà còn do nhiều nguyên nhân khác, trẻ sẽ cần được bác sĩ thăm khám để xác định nguyên nhân.