Trong xã hội có 2 lối tư duy trái ngược phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ chúng ta. Khi cách giáo dục lấy quan niệm của cha mẹ áp đặt suy nghĩ, công thức, câu trả lời mà không lấy trẻ làm trung tâm, không nghe ý kiến trẻ, sẽ tạo ra lối tư duy bị giới hạn. Khi trẻ gặp vấn đề ngoài cẩm nang trả lời hoặc không còn ai để hỏi câu trả lời, trẻ chấp nhận vấn đề là đúng.
Ngược lại, khi chúng ta giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, cho trẻ phát biểu ý kiến, quan niệm và đồng thời trong quá trình được lấy làm trung tâm trẻ phải tự suy nghĩ phản biện và lập luận để tìm giải pháp hay câu trả lời. Quá trình này không thể làm giới hạn câu trả lời của trẻ. Tư duy này là tư duy phát triển.
Người có tư duy phát triển giống như có cuốc và xẻng, không cần biết đất bằng, hay đồi núi. Họ vẫn tạo ra xóm làng và thành phố. Người có tư duy giới hạn, dù họ được cho mảnh đất tốt, họ cũng khó canh tác thu hoa lợi, thậm chí phải bán mảnh đất đó đi.
Theo quan niệm giáo dục của thiên tài vật lý vĩ đại Albert Einstein: "Tôi không bao giờ chỉ phải làm gì, tôi chỉ cung cấp điều kiện để học trò tôi tự học". Bởi vì theo ông, dấu chỉ thực sự của thông minh không phải kiến thức họ học A,B,C từ ông. Nó sẽ giới hạn họ. Dấu chỉ thực sự là khả năng phát triển tưởng tượng vô hạn của họ.
Cha mẹ làm gì để giúp trẻ hình thành tư duy phát triển?
Một cách tốt là cha mẹ nên giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Điều này không có nghĩa là cho trẻ thật nhiều điều kiện vật chất và giáo dục tốt.
Quan trọng của lấy trẻ làm trung tâm là trẻ có được quan tâm 3 điều sau: Được hiểu, được trao quyền thực hiện hay cho ý kiến dù kết quả là sai, được yêu thương và quan tâm. Đây là 1 số cách cha mẹ có thể làm hằng ngày trong mọi hoạt động với trẻ để dạy con cách suy nghĩ.
1. Hãy luôn yêu cầu trẻ cho lí do
Nhiều bạn cho rằng lí do của trẻ nhỏ rất ngờ nghệch, nhưng thực tế những lí do trẻ cho bạn khi trẻ quyết định là mỗi lần chúng học cách suy nghĩ để đưa ra quyết định. Lí do có ngờ nghệch, có không liên quan, nhưng hãy tôn trọng và hỏi trẻ thêm câu hỏi: Tại sao con nghĩ đó là lí do?
Hoạt động cha mẹ có thể làm cùng bé: Dán sticker lên những vật dụng trong nhà có cùng 1 tính chất nào đó. Ví dụ: Có cùng hình tròn. Hãy hỏi bé tại sao con nghĩ là hình tròn? 2 vật này tại sao con lại dán nó là cùng hình tròn.
2. Luôn nhắc nhở vai trò tư duy ở trẻ
Trẻ nhỏ vốn tò mò nhưng dễ học được cảm giác sợ sai, sợ nói không đúng. Điều này dẫn đến 1 số trẻ tỏ ra nhút nhát hay không mạnh dạn.
Đặc biệt khi trẻ trả lời sai bị ai đó cười hoặc trách phạt. Trẻ cũng quan sát xem bạn có thái độ như thế nào khi bạn giao tiếp với những người xung quanh. Nếu trẻ cảm nhận bạn cũng rụt rè, trẻ cũng trở nên nhút nhát giống bạn.
Do đó, luôn khuyến khích trẻ được phép làm từ đó có thể dạy con cách suy nghĩ.
Dùng 1 số biểu ngữ gồm 3 hình tượng như "con có thể nói", "con có thể làm" và "con được lắng nghe" để dán ở những nơi sinh hoạt chung của cả nhà. Khi thấy con rụt rè, hãy nhắc con nhớ về 3 quyền của con. Nếu sai cha mẹ cùng con sửa. Nếu đúng, liệu có cách nào làm tốt hơn nữa.
3. Giúp trẻ tạo quỹ riêng của niềm vui và sự buồn chán
Hai cảm xúc trẻ có thể trải qua nhiều đó là niềm vui và sự buồn chán, tức giận. Trẻ nhỏ ít nhận ra đâu là vui, đâu là cảm xúc tiêu cực trái ngược. Dạy trẻ hiểu điều trái ngược là nên làm, để trẻ hiểu làm cách nào cải thiện nó.
Hoạt động cha mẹ làm cùng bé: Hãy chuẩn bị cho trẻ 2 chú heo đất thật to, 1 chú trẻ sẽ dán 1 hình mặt cười, chú heo còn lại trẻ sẽ dán hình mặt buồn. Hãy chọn 2 chú heo đất có thể mở ra được.
Khi quy ước, bạn hãy nói với trẻ, khi nào con làm việc con thấy vui, 1 việc con hài lòng, 1 sự giúp đỡ, 1 việc ăn uống tốt hoặc đơn giản 1 ngày con không thấy mình làm phiền ai thì hãy bỏ 1 mặt cười tương ứng với 1 niềm vui vào chú heo mặt cười. Ngược lại, hãy bỏ mặt khóc nếu ngày đó con có 1 việc con tức giận, con đòi quà bánh, con bướng bỉnh. Bạn cũng nên có 2 chú heo đất cho riêng bạn.
Cuối ngày, 2 mẹ con cùng lấy những khuôn mặt ra và hồi tưởng lại 1 ngày của 2 mẹ con. Đó là khoảnh khắc của nhận thức và những bài học được ghi nhớ.
4. Luôn khuyến khích trẻ đề nghị thêm 1 phương án nữa
Khi phải đi đến giải quyết vấn đề, trẻ cần phải học được cách suy nghĩ làm sao để tìm cách tối ưu và ít tối ưu, bài học này sẽ giúp trẻ hiểu hơn về sự cải thiện.
Hoạt động cha mẹ có thể làm cùng bé:
Khi cùng trẻ tô màu, bạn hãy đề nghị bé vẽ thêm 1 màu khác. Hãy hỏi lí do chọn màu thứ 2.
Khi trẻ đòi mua một món đồ chơi, thì hãy hỏi trẻ con có thể tìm thêm 1 món đồ mà món đó mẹ và con cùng thích: "Chúng ta sẽ mua món đó nhé. Món con thích có điều gì đặc biệt nào?". Bạn cũng hãy nói món đồ bạn thích và khuyến khích bé tìm.
Những cách làm đơn giản này chính là phương pháp dạy con cách suy nghĩ không giới hạn cha mẹ có thể nhanh chóng áp dụng.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương Quốc Anh)