Có lẽ việc lần đầu làm mẹ không khỏi những bỡ ngỡ trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh của nhiều chị em. Một trong những việc đó chính là tắm cho trẻ sơ sinh. Không phải mẹ nào cũng có thể tự biết ngay công việc tưởng chừng như đơn giản này được.
Nếu tắm cho bé không đúng cách có thể gây ra những nguy hiểm mà bé có thể gặp phải như nhiễm trùng rốn, nước rơi vào mắt hoặc vào tai bé...Vậy đâu là cách tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết ngay sau đây.
1. Nên tắm cho trẻ sơ sinh vào thời gian nào?
Những ngày đầu khi ở bệnh viện, công việc tắm cho bé thường được các cô y tá thực hiện, tuy nhiên mẹ cũng nên biết rằng để duy trì chất nhờn bảo vệ da, trong 48 giờ đầu sau khi em bé được sinh ra, không nên tắm cho trẻ.
Sau khi mẹ về nhà, lúc này em bé thường chưa rụng rốn, công việc tắm cho bé đòi hỏi nhiều sự khéo léo và cẩn thận. Vậy cách tắm cho trẻ sơ sinh vào giờ nào là tốt nhất? Các mẹ nên tắm cho bé vào lúc đang còn ánh nắng mặt trời để đảm bảo sự ấm áp cho con, nếu tắm muộn con có thể rất dễ bị cảm lạnh, dẫn đến viêm phổi rất nguy hiểm. Tốt nhất mẹ nên tắm cho con vào khung giờ 10-11 giờ buổi sáng hoặc 15-16 giờ khung buổi chiều.
Mẹ cũng nên lưu ý không nên tắm cho con quá lâu, chỉ tắm trong khoảng 4-5 phút đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi nhằm tránh con bị ngấm nước dẫn đến nhiễm lạnh.
2. Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn
Khoảng thời gian bé mới được đón từ bệnh viện về nhà, bé đang trong giai đoạn khô rốn vì vậy, mẹ nên cẩn thận khi tắm cho con. Nếu để nước dính vào cuống rốn có thể rốn dễ bị nhiễm trùng. Nếu cảm thấy rốn bé có mùi hôi và chảy dịch, mẹ nên cho bé đi khám ngay lập tức.
Sau đây là cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn mà mẹ nên tham khảo:
- Chuẩn bị 2 chậu tắm, sữa tắm cho bé, dầu gội, 2 chiếc khăn xô và nước ấm, mẹ có thể thêm vài giọt tinh dầu tràm vào nước để phòng tránh cảm lạnh cho bé
- Chuẩn bị quần áo, bao chân, bao tay, nước muối sinh lý, khăn lau, miếng rơ lưỡi, tã giấy.
- Bạn nên tắm cho bé trong phòng kín, tránh gió lùa trực tiếp vào người bé.
- Đặt bé nằm lên giường, cởi bỏ hết quần áo, tã,... trên người bé
- Bạn ngồi xổm trước chậu nước tắm của bé, đặt bé lên đùi, tay trái giữ vào phần gáy của bé còn tay phải nhúng khăn xô vào chậu nước để làm ướt tóc, sau đó xoa dầu gội và tiếp tục nhúng nước vào khăn để lau sạch dầu gội cho bé. Mẹ nên tắm cho con phần đầu trước.
- Bạn vắt khô bớt khăn và lau sạch vùng mặt, mắt, lỗ tai cho con
- Xong phần đầu thì mẹ tiếp tục tắm phần thân cho bé, từ từ đặt con vào chậu, tay trái đỡ lấy cổ, làm ướt thân, cho sữa tắm lên người trẻ, lưu ý không để sữa tắm chạm vào vùng rốn của bé.
- Sau khi tắm với sữa tắm xong mẹ di chuyển bé qua chậu nước sạch thứ 2 đã chuẩn bị sẵn, rửa cho con qua nước sạch một lần nữa.
- Cho bé ra ngoài và đặt lên chiếc khăn mềm to để lau khô cho con.
Chăm sóc bé chưa rụng rốn sau khi tắm
- Sau khi lau khô toàn bộ cơ thể trẻ, bạn hãy nhỏ 1 giọt nước muối sinh lý vào mũi và mắt con. Nhỏ thêm một ít nước muối vào miếng rơ lưỡi và tiến hành rơ lưỡi cho bé.
- Dùng tăm bông lau khô vành tai cho bé
- Dùng thêm tăm bông khác thấm nước muối sinh lý sau đó vệ sinh xung quanh cuống rốn bé
- Xoa một ít tinh dầu tràm vào lòng bàn tay sau đó vuốt ve khắp cơ thể trẻ, cuối cùng mặc quần áo, đóng tã, đeo bao tay, bao chân cho con.
3. Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh đã rụng rốn
Tuỳ vào cơ địa của mỗi bé, mà trẻ có thể rụng rốn sau sinh khoảng 1-2 tuần. Lúc này mẹ sẽ điều chỉnh cách tắm cho bé một chút so với lúc bé chưa rụng rốn.
- Bạn nên đặt một chiếc khăn mềm vào đáy chậu nhằm tránh bé bị trượt khi tắm
- Tiếp theo,bạn nên đổ nước nóng vào trước, sau đó mới pha nước lạnh vào, bạn sờ tay thấy nước vừa ấm là được.
- Bạn tiến hành rửa mặt cho con trước, dùng khăn lau sạch hốc mắt, mũi, dùng tăm bông lau sạch vàng tai, chú ý không cho tăm bông vào tai bé.
- Mẹ tiến hành làm ướt đầu và thoa dầu gội, lấy nước lau sạch nhiều lần, bạn tiến hành lau khô đầu cho bé luôn để tránh ngấm nước, sau đó mới tiến hành tắm phần thân cho con.
- Tắm các bộ phận khác theo thứ tự là cằm, cổ, lưng của bé.
- Tiếp đến là phần bụng, chú ý làm sạch cặn bã ở các nếp gấp của phần gáy,chân, tay, vùng kín của bé,... Bạn nên lau từ đầu, cuối cùng lau xuống mông, lau từ trước ra sau để phòng tránh nhiễm trùng.
- Lau khô và mặc tã, bỉm cho bé.
4. Những lưu ý khi tắm cho bé sơ sinh đã rụng rốn
- Bạn chỉ cần tắm cho bé 1 tuần khoảng 1-2 lần
- Mực nước bạn chỉ nên để khoảng 5-8cm để tránh trường hợp làm ngập bé
- Nhiệt độ của nước không được vượt quá ngưỡng 32 độ C. Bạn nên dùng cùi trỏ tay để thử độ nóng lạnh của nước vì nó nhạy cảm hơn da bàn tay.
- Tắm cho bé sơ sinh không cần thiết phải sữa tắm hoặc sữa tắm ít cay, phù hợp với làn da của trẻ. Mẹ nên chọn các loại nước tắm thảo dược an toàn cho bé. Ngoài ra mẹ cũng nên tham khảo cách pha nước dừa tắm cho trẻ sơ sinh rất tốt cho con.
5. Những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh vào các mùa
Khí hậu Việt Nam, đặc biệt là vào miền Bắc sẽ có 2 mùa cơ bản đối lập nhau đó là mùa đông và mùa hè. Vì vậy các mẹ cũng nên lưu ý một số điều dưới đây khi tắm cho trẻ vào các mùa.
Lưu ý khi tắm cho bé vào mùa hè:
- Vì mùa hè nóng nực nên có vẻ bé sẽ thích thú với việc tiếp xúc với nước hơn, mẹ có thể vỗ nhẹ nước vào mông hoặc gáy cho bé thích nghi dần với nhiệt độ của nước.
- Tuy là mùa hè nhưng đối với trẻ sơ sinh, mẹ tuyệt đối không cho bé tắm nước lạnh vì rất dễ khiến cho trẻ bị cảm lạnh, bạn vẫn phải pha nước ấm để tắm cho con.
- Sau khi tắm xong, bạn hãy cho bé bú hoặc uống sữa để bù vào lượng nước đã mất trong khi tắm.
Lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông:
- Vào mùa đông, mẹ nên tắm cho con trong phòng kín, nhiệt độ trong phòng ấm áp, bật lò sưởi để bé không bị lạnh. Mẹ cũng cần tắm cho bé nhanh, không được quá 5 phút.
- Để tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách, mẹ nên rửa chân trước, sau đó lên trên dần, cuối cùng là gội đầu, nếu mẹ gội đầu trước rất dễ làm cho bé không thích nghi kịp với nhiệt độ.
- Vào mùa đông, sau khi tắm xong mẹ nên bôi dầu tràm cho con để làm ấm cơ thể.
- Lưu ý chung trong quá trình tắm cho trẻ sơ sinh đó là mẹ không nên tắm cho con lúc bé đói và cũng không nên tắm khi bé mới ăn xong vì rất dễ làm trẻ bị trớ.
Trên đây là những hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh theo trình tự mà mẹ nào cũng nên biết. Nếu nắm được những kiến thức cơ bản khi tắm cho trẻ nhỏ, mẹ sẽ tránh được những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với bé. Mẹ nên chuẩn bị hành trang về kiến thức chăm sóc con từ lúc khi còn mang thai để bớt bỡ ngỡ khi thực hiện.