Ảnh hưởng tâm lý nặng nề của trẻ khi thấy cha mẹ cãi nhau
Tranh luận, bàn cãi giữa các thành viên là vấn đề thường gặp ở các gia đình. Tuy nhiên, với đặc điểm tâm lý nhạy cảm, dễ bị tổn thương, trẻ em khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau sẽ ít nhiều bị tác động đến tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Khoa dinh dưỡng Nhi Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) cho biết nhóm chuyên gia của GS.Gordon Harold (Anh) đã tiến hành nghiên cứu và đi đến kết luận trẻ em chứng kiến những trận cãi vã của cha mẹ thường có hành vi giao tiếp kém khi đi học và trong môi trường công việc.
Hình ảnh cãi nhau của cha mẹ dễ ảnh hưởng đến tâm lý người con khiến các cuộc tranh cãi sẽ tiếp diễn ở thế hệ sau. Hậu quả là nhiều gia đình gia tăng nguy cơ ly hôn vì những lý do không đáng có.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, nhiều bậc cha mẹ cãi vã thường liên quan đến sự không thành công của trẻ sau này. Trẻ càng nhỏ (dưới 8 tuổi), càng chứng kiến nhiều trận cãi vã của cha mẹ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý sâu sắc và giảm tỉ lệ thành công về sau.
Hạn chế tác động trong những trận cãi nhau đến trẻ
Để giữ môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển, cha mẹ nên giảm đến mức tối thiểu những trận cãi vã trước mặt con. Khi bạn và đối phương có dấu hiệu tỏ ra lớn tiếng, người còn lại hãy giữ im lặng để làm giảm cơn giận giữ.
Khi cha mẹ bất đồng quan điểm, nên tìm nơi kín đáo, không có sự xuất hiện của con trẻ để cùng giải quyết, tìm ra nút thắt vấn đề. Cả hai không nên cố tình tìm những khuyết điểm để chất vấn lẫn nhau.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh lưu ý bác bậc cha mẹ không bao giờ dùng vũ lực trước mặt con trẻ trong mọi tình huống, kể cả trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Có những cơn mâu thuẫn dẫn đến chia ly, không thể cứu vãn, cha mẹ hãy giúp con trẻ đón nhận nhẹ nhàng. Nếu bố và mẹ quyết định không sống cùng nhau, hãy tôn trọng đối phương và đồng ý cho bố hoặc mẹ đến thăm bé thường xuyên để bé vẫn cảm nhận được sự chăm sóc của các thành viên gia đình.
Cha mẹ vô tình cãi nhau trước mặt con, hãy nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nếu cha mẹ đã thống nhất quan điểm cùng nhau, hãy nói cho trẻ biết.
Khi chưa tìm được tiếng nói chung, đừng quên bày tỏ quan điểm của cha, mẹ và trấn an bé rằng cả cha mẹ sẽ sớm làm hòa với nhau.