Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh ly thượng bì bóng nước ở trẻ em
Ly thượng bì bóng nước là căn bệnh hiếm gặp và khó chữa ở trẻ em do yếu tố di truyền hoặc vi khuẩn gây ra. Trẻ mắc chứng bệnh này cơ thể sẽ nổi đầy bóng nước, khó chịu, ngứa ngáy khắp người.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Văn Quang, chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết ly thượng bì bóng nước (EB) là căn bệnh hiếm gặp có yếu tố di truyền hoặc do vi khuẩn liên cầu gây ra.
Bóng nước ở trẻ mắc bệnh thủy đậu thường có đặc điểm nhỏ, tròn, kích thước ngang nhau. Trong khi đó, bóng nước của chứng ly thượng bì sẽ tròn, to xuất hiện khắp cơ thể trẻ. Lớp da trẻ mắc bệnh này thường mỏng, tấy đỏ, dễ tổn thương.
Khi vừa mắc chứng ly thượng bì bóng nước, cơ thể trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện các bọng nước nhỏ, sau đó to dần và lan rộng khắp cơ thể kèm theo dấu hiệu nóng sốt, mệt mỏi, chán ăn.
"Đây là căn bệnh khó, có thể chữa nên người mắc bệnh cần kiên trì điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc bôi dễ dẫn đến nhiễm trùng. Bệnh này là một dạng bệnh da liễu khó chữa trì hàng đầu", bác sĩ Quang thông tin.
Cách chăm sóc trẻ bị ly thượng bì bóng nước
Bác sĩ Huỳnh Văn Quang cho biết, trẻ em bị ly thượng bì bóng nước thường được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, giảm đau nhằm ngừa biến chứng ngoài ý muốn. Không biết cách ngừa nhiễm trùng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao ở trẻ em.
Theo đó, bác sĩ Huỳnh Văn Quang cho biết 3 nguyên tắc chăm sóc trẻ bị ly thượng bì bóng nước cha mẹ cần nhớ bao gồm: Chống nhiễm trùng, dinh dưỡng tốt, dùng kháng sinh.
Nhằm phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng, cha mẹ nên bôi thuốc sát trùng xanh methylen hàng ngày. Song song đó, tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp đối với từng bệnh nhi.
Trong chế độ ăn uống, cần hạn chế cho trẻ ăn các chất gây dị ứng như hải sản, thịt bò, thịt gà, tôm cua.
Khi da trẻ bị lở loét, cha mẹ cần lau sạch vùng bị tổn thương bằng nước muối, sau đó băng lại cẩn thận. Trẻ mắc bệnh ly thượng bì bóng nước không nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gió (không bật quạt, dùng điều hòa) và phải vệ sinh hàng ngày để tránh nguy cơ bội nhiễm.
Bác sĩ Huỳnh Văn Quang cho biết căn bệnh này có thể điều trị dứt điểm nếu cha mẹ kiên trì và chăm sóc đúng cách. Ngay khi có các dấu hiệu bệnh, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để khám và điều trị kịp thời.