Để chữa lành các vết loét do nhiệt miệng một cách nhanh chóng cũng như tránh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cho con do chán ăn trong thời gian này, các chuyên gia chia sẻ một số cách chăm sóc răng miệng và chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi bị nhiệt miệng.
1. Nhiệt miệng ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ như thế nào?
Nhiệt miệng là tình trạng tổn thương niêm mạc miệng dẫn đến viêm nhiễm với các triệu chứng như:
- Lở loét: Tình trạng lở loét có thể ở mức độ nhẹ, chiếm khoảng 80% trường hợp. Các vết loét nhỏ thường có đường kính vài mm và có các cạnh hơi nhô lên, màu đỏ. Chúng thường lành trong vòng 1 đến 2 tuần và không có khả năng để lại sẹo.
Ngoài ra, nhiệt miệng cũng có thể gây ra các vết loét lớn có đường kính từ 1 đến 3 cm và ảnh hưởng đến mô nướu. Chúng có thể tồn tại trong 6 tuần và có thể dẫn đến sẹo.
- Sưng tấy
- Chảy nước dãi
- Sốt hoặc nhức đầu
- Đau miệng
Với các triệu chứng như thế này, mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhưng nhiệt miệng sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn.
Hơn nữa, mặc dù các vết loét sẽ biến mất sau khi điều trị khoảng một hoặc hai tuần, nhưng một số trẻ có thể bị nhiệt miệng tái phát khiến trẻ thực sự khó chịu và ảnh hưởng đến việc ăn, uống và tương tác với người khác. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng.
2. Cách điều trị và chăm sóc cho trẻ khi bị nhiệt miệng
Các vết loét do nhiệt miệng có thể tự lành mà không cần điều trị nhưng để không ảnh hưởng đến việc ăn uống và giao tiếp, mọi người có thể lựa chọn một số phương pháp điều trị cho trẻ:
- Nước súc miệng: Các sản phẩm có chứa triclosan và chlorhexidine có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của vi trùng gần vết thương và giảm viêm ở khu vực đó.
- Thuốc bôi: Thuốc có thể được bôi trực tiếp lên vết loét để giảm đau. Thuốc bôi có sẵn ở dạng thuốc xịt, gel và kem.
- Thuốc uống: Thuốc không kê đơn (OTC) như acetaminophen (Tylenol) có thể giúp kiểm soát cơn đau. Corticosteroid đường uống, chẳng hạn như prednisone (Rayos), cũng có thể làm giảm đau và thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi trẻ bị lở loét nghiêm trọng và tái phát.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ nên đến bệnh viện thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn tuỳ vào độ tuổi của trẻ, tình trạng sức khoẻ và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Ngoài phương pháp điều trị với thuốc, cha mẹ cũng chú ý có chế độ chăm sóc sức khoẻ và răng miệng cho con một cách phù hợp:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng 1-2 lần/ngày nhưng đảm bảo rằng cho trẻ sử dụng bàn chải đánh răng mềm. Ngoài ra, cho trẻ súc miệng với nước muối sinh lý, từ 2-3 lần/ngày. Cha mẹ nên nhắc nhở con chỉ được súc miệng chứ không được nuốt.
- Thoa mật ong lên vết loét để giúp vết thương hở nhanh lành hơn và bảo vệ vùng da khỏi bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, không nên áp dụng phương pháp này cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc.
- Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm cứng như các loại hạt, có khả năng gây kích ứng, chẳng hạn như thực phẩm có tính axit, mặn hoặc cay.
3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị nhiệt miệng
Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong khoảng thời gian bị nhiệt miệng, cha mẹ có thể xây dựng chế độ ăn uống cho con theo lời khuyên dưới đây:
- Ưu tiên những thực phẩm mềm, lỏng, không quá nóng hoặc lạnh, chẳng hạn như cháo, phô mai, sinh tố hoặc sữa chua. Điều này sẽ giúp con dễ ăn mà không ảnh hưởng đến các vết loét.
- Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng gây ra vết loét. Các thực phẩm giàu vitamin C phù hợp với trẻ như:
+ Trái cây, bao gồm ổi, xoài, kiwi, dâu tây, dưa lưới, ... cha mẹ có thể làm thành nước ép hoặc sinh tố cho con.
+ Rau xanh như bông cải xanh, cải xoăn, ...
- Tránh xa các loại thực phẩm quá giòn, cứng, chua, mặn hoặc cay vì chúng đều có thể gây đau, hạn chế đồ uống có cồn và đồ uống có ga. Các loại thực phẩm hàng ngày như cà chua, chanh, khoai tây chiên hoặc bánh mì cứng đều thuộc danh mục không nên ăn nếu trẻ đang bị nhiệt miệng. Các axit tự nhiên trong một số loại trái cây và rau quả đủ để gây kích ứng vết loét, ngay cả khi chúng không gây đau đớn.
4. Cách phòng ngừa nhiệt miệng cho trẻ
Mặc dù nhiệt miệng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, đặc biệt nhiệt miệng có thể tái phát và khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Do đó, cha mẹ nên có những biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ bằng một số cách:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ vì một trong những nguyên nhân gây nhiệt miệng có thể do thiếu chất, đặc biệt là vitamin B12 và sắt.
- Chăm sóc răng miệng đúng cách như đánh răng 2 lần/ngày với bàn chải lông mềm, không nên tác động mạnh làm trầy xước hoặc rách miệng.
- Tăng cường miễn dịch với lối sống và chế độ dinh dưỡng đầy đủ để ngăn ngừa vi khuẩn, virus, nấm tấn công và gây bệnh.