Thời điểm trẻ được 3-4 tháng tuổi là khi trẻ bắt đầu biết lật (hay lẫy). Đây cũng là thời điểm mà cha mẹ cần dành nhiều sự chú ý đến trẻ hơn vì trẻ rất dễ bị ngã khỏi giường. Chỉ một giây phút lơ là, mất cảnh giác của cha mẹ nhiều vấn đề nguy hiểm sẽ xảy ra.
Chị Lý, một bà mẹ trẻ đang có một bé trai trong thời điểm nguy hiểm trên. Từ sau khi sinh, chị Lý đã nghỉ việc để dành hết thời gian chăm sóc con trai. Gần đây, bố mẹ chồng chị đã chuyển đến sống cùng hai vợ chồng chị Lý nên công việc chăm con cũng có chút nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, ông bà tuổi đã cao nên có lúc cũng hay quên và đôi khi có những phương pháp chăm cháu có phần phi khoa học. Điều này khiến chị Lý hơi khó xử.
Đỉnh điểm là vào một ngày nọ, một câu chuyện khá nghiêm trọng xảy đến với con trai chị. Buổi trưa hôm ấy, khi chị đang tranh thủ lúc con ngủ để chuẩn bị cơm trưa thì một tiếng động lớn làm chị hoảng hồn. Nghĩ đến con trai đang ngủ, chị vội vàng chạy đến giường con.
Tim chị Lý như rơi ra ngoài khi nghe thấy tiếng khóc thét đau đớn của con trai. Chạy vào phòng thì chị đã thấy ông nội đã chạy đến bên cậu bé từ trước. Tuy nhiên, điều kì lạ là ông không bế cậu bé lên mà cũng không cho chị Lý bế con. Ông chỉ ngồi nhìn mặc cháu khóc, khoảng vài giây sau ông mới bế cậu bé lên và cùng chị Lý đưa cậu bé đến bệnh viện.
Đến khi bác sĩ kiểm tra và hỏi han tình hình, nghe được lời tường thuật của bố chồng chị Lý, vị bác sĩ liền gật gù khen ngợi. Hóa ra, bố chồng của chị trước đây đã từng làm ở bệnh viện nên những kiến thức cơ bản như thế ông đã nắm chắc.
Bác sĩ cho biết khi trẻ bị té, không nên bế bé lên ngay, thay vào đó, nên giữ nguyên tư thể của trẻ rồi kiểm tra cơ thể bé để xác nhận xem trẻ có bị chấn thương cột sống không.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: 10 giây đầu tiên sau khi bé ngã thường được gọi là “10 giây vàng” vì thời gian này vô cùng quan trọng. Trong thời gian này, cha mẹ nên bình tĩnh thực hiện ngay 4 điều sau:
1. Đảm bảo rằng trẻ không bị tổn thương não
Trước hết, hãy xem trẻ có khóc không, nếu trẻ khóc ngay sau khi bị ngã thì thường ít có khả năng bị chấn thương sọ não. Tiếp theo, cha mẹ nên xác định xem bé bị ngã phía trước hay phía sau, vì ngã ngửa có khả năng bị tổn thương đầu sau nguy cơ tổn thương não cao hơn. Tuy nhiên, rất khó để cha mẹ có thể khẳng định con có bị tổn thương não hay không. Để chắc chắn, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay lập tức.
2. Kiểm tra xem bé có bị rối loạn hoạt động không
Để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên xác nhận rằng bàn tay và bàn chân của em bé có thể cử động mà không bị gãy xương hay bong gân. Cha mẹ không nên tự ý nắn gân hay xương cho con, không được tự ý điều trị tại nhà cho con. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào về gân và xương của con, cha mẹ nen ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kịp thời chữa trị.
3. Kiểm tra em bé xem có bị xuất huyết không
Sau khi loại trừ khả năng xảy ra hai chấn thương trên, cha mẹ cũng nên kiểm tra xem trẻ có bất kỳ vết thương nào chảy máu không. Nếu có, cha mẹ nên băng bó vết thương kịp thời. Trong trường hợp vết thương nghiêm trọng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu đó là những vết bầm, sưng tấy, cha mẹ có thể dùng một số mẹo vặt tại nhà như dùng trứng luộc chín, để ở nhiệt độ ấm rồi xoa lên vết bầm của trẻ.
4. Tạo cho trẻ cảm giác an toàn
Sau cú ngã, trẻ sẽ chắc chắn sẽ khóc vì sợ, lúc này tốt nhất mẹ nên ở bên cạnh bé để tạo cho bé cảm giác an toàn và để bé bình tĩnh lại càng sớm càng tốt.
Một lưu ý khác dành cho cha mẹ: Sau khi xác định sơ bộ nếu không có thương tích gì lớn, cha mẹ vẫn không nên xem nhẹ. Cha mẹ nên tiếp tục quan sát các biểu hiện trong 2 ngày tiếp theo của trẻ như ăn, ngủ,... vì có thể còn một số tổn thương bên trong mà mắt thường không nhìn thấy được.
Trong hai ngày sau khi ngã, nếu trẻ bị nôn trớ nhiều lần, kém ăn, quấy khóc dữ dội thì cha mẹ nên chú ý. Nếu bé có những biểu hiện bất thường khác như chảy máu hoặc có nước ở mũi hoặc tai, đồng tử hai mắt không đều thì cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay để kiểm tra và kịp thời chữa trị.