Mấy ngày qua, quán quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 Trần Thế Trung bất ngờ được chú ý đặc biệt trở lại. Theo đó, sau khi bị một số cư dân mạng bày tỏ tiếc nuối, lo hộ cuộc sống của Trung khi không đi du học Úc, thí sinh giành vòng nguyệt quế Olympia đã phản ứng lại một cách mạnh mẽ: “Không hiểu tiếc chỗ nào luôn”.
Thế Trung: "Bản thân mình đang thấy rất hài lòng với cuộc sống học tập và làm việc hiện tại"
Chia sẻ về quyết định ở lại Việt Nam không đi du học ở nước ngoài, Trung nói: “Mọi người thường coi những người chiến thắng trong chương trình này là nhân tài và kỳ vọng ở chúng mình về sự cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một sân chơi truyền hình và mình chỉ là một người thắng cuộc.
Hy vọng mọi người có thể tôn trọng cuộc sống và quyết định cá nhân của các quán quân của chương trình hơn dù biết rằng điều này không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Bản thân mình đang thấy rất hài lòng với cuộc sống học tập và làm việc hiện tại. Hài lòng ở đây không có nghĩa là mình không muốn phát triển thêm nữa mà mình cảm thấy cuộc sống hiện tại đã đủ những yếu tố để mình có thể sống ổn định một khoảng thời gian.
Trong tương lai, nếu mình có cơ hội được tiếp xúc với những khóa học ở nước ngoài thì mình sẽ cân nhắc đến việc sẽ sang nước ngoài hoàn thành chúng để có thêm cho mình những trải nghiệm khác”.
Cách đây hơn 4 năm, vào năm 2019, đội trên đầu vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19, nước mắt không ngừng rơi trên gương mặt nhà vô địch Trần Thế Trung. Khi đó, Trần Thế Trung là học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Với sự tự tin, bản lĩnh và tự nhận mình có chút may mắn, Trần Thế Trung trở thành quán quân chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 với số điểm 245, trở thành học sinh đầu tiên của tỉnh Nghệ An vô địch Đường lên đỉnh Olympia.
Trong khoảnh khắc quyết định, sau khi hoàn thành câu hỏi cuối cùng, Trung bỗng rơi nước mắt: "Cuối cùng em đã được đứng trên sân khấu Olympia, cũng là ước muốn ngày xưa mà chị của em mong muốn, em đã đạt được ước mơ của mình dù kết quả ra sao. Cảm ơn chị đã luôn luôn truyền cảm hứng cho em".
Được biết, năm Trung vào lớp 9 đang chuẩn bị chọn đội tuyển thi thành phố, chị gái Trung đang là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, không may bị tai nạn và không qua khỏi. Hình ảnh của Trung lúc đó tại trường quay S14 và quê nhà Nghệ An khiến nhiều khán giả không kìm được nước mắt.
Gần một năm sau đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, chàng trai đạt điểm cao với Lịch sử 9, Địa lý và GDCD đều trên 9. Riêng bài thi Ngoại ngữ (Tiếng Anh), cậu được miễn do có chứng chỉ IELTS 8.0.
Sau đó, thay vì sang Úc du học, Trung lại quyết định ở lại Việt Nam và trở thành sinh viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo của một trường đại học ở Hà Nội. Thế Trung từng có khoảng thời gian học trực tuyến ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Swinburne (Úc) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng không thấy phù hợp nên đã lựa chọn chuyển sang học ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo. Việc lựa chọn ngành học này, theo Trung, xuất phát từ thói quen thích sắp xếp ngăn nắp mọi việc trong cuộc sống và học thiết kế sẽ có tính ứng dụng cao hơn so với những ngành học thiên về mỹ thuật.
Ngoài là sinh viên ngành thiết kế, Trung còn có một số đam mê ấn tượng khác. Trung hiện đảm nhận một số vai trò khác như trọng tài trong một số giải đấu bóng rổ. Trung cho biết em có sở thích chơi bóng rổ từ lâu. Chàng trai bắt đầu làm trọng tài bóng rổ từ năm lớp 8 mà bản thân mô tả “chỉ là học đòi cầm cây còi”, nhưng từ đó, cậu đã tìm hiểu luật và tham gia các giải đấu nhỏ ở thành phố Vinh.
Niềm đam mê này đã lớn dần theo năm tháng và đạt đến đỉnh điểm khi Thế Trung ra Hà Nội học đại học, sau dự án dịch Luật Bóng rổ 2020. Nam sinh đã tham gia điều hành giải đấu không chuyên lớn nhất Hà Nội và đánh dấu bước phát triển lớn trong lĩnh vực này.
Hiện tại, Thế Trung là thành viên của Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội, cùng với bạn tiếp tục biên dịch hệ thống tài liệu luật và trọng tài của FIBA (Liên đoàn Bóng rổ Thế giới) ra tiếng Việt sau đợt cập nhật Luật Bóng rổ 2022, để tiếp tục phổ biến cho cộng đồng bóng rổ cả nước.
“Tôi mong muốn tiếp tục trau dồi kỹ năng trọng tài của mình để tiến lên các cấp độ cao hơn, với mục tiêu là được điều hành các giải đấu cấp độ quốc gia và quốc tế”, Thế Trung cho biết.
Trung còn là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Shogi Việt Nam (câu lạc bộ chơi cờ tướng Nhật Bản). Đối với Trung, bóng rổ và cờ Shogi không chỉ đơn thuần là sở thích, đam mê mà nó còn được xem như một "nghề tay trái" của cậu. Đặc biệt với cờ Shogi, Trung có định hướng sẽ phát triển và lan rộng nó hơn nữa trong cộng đồng Việt Nam bằng cách tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ hàng tuần.
Chia sẻ với PV, Trung tiết lộ, CLB của mình đang dự định tổ chức sự kiện lớn với quy mô toàn quốc vào tháng 5 tới, hứa hẹn sẽ tạo tiếng vang cho những bạn trẻ đam mê cờ Shogi.
Điểm ấn tượng khác là nam sinh này còn mê thư pháp nói riêng và Hán Nôm nói chung. Cậu muốn được kết nối với nền văn hiến của ông cha ta từ nghìn xưa, hiểu rõ hơn về tiếng Việt. Đây cũng là cầu nối để học thêm những ngôn ngữ và nền văn hóa Á Đông.
Quán quân Olympia năm thứ 19 mong mọi người sẽ có cái nhìn thoáng hơn với các thí sinh nói chung và quán quân nói riêng, cũng như tôn trọng cuộc sống riêng tư và lựa chọn, quyết định của họ. “Chắc chắn, tôi không mong muốn được nhớ tới chỉ vì cái danh quán quân Olympia. Tôi đang từng bước hiện thực hóa điều đó và tìm kiếm bản ngã của mình”, Thế Trung khẳng định.