Chăm thải độc vẫn ung thư
Chị Nguyễn Thị Thoan (37 tuổi, quê Kiên Giang) bị chẩn đoán ung thư gan giai đoạn 3. Chị Thoan tâm sự khi bác sĩ nói bị ung thư gan chị không tin lắm vì nghĩ rằng mình rất chăm thải độc gan. Chị Thoan kể ở làng chị cũng có mấy người ung thư gan và tử vong ngay sau đó.
Để chăm sóc lá gan của mình, chị Thoan tự mua các loại lá cây được quảng cáo mát gan, thải độc về cho cả nhà uống như lá xạ đen, lá lược vàng, đủ các thứ mát gan thải độc. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, da vàng kèm theo đau tức bụng bên phải dưới sườn, chị đến khám thì được bác sĩ chẩn đoán ung thư gan. Chị Thoan rất bất ngờ. Chị không nghĩ mấy năm qua chăm thải độc thế mà vẫn mắc bệnh.
Không riêng gì chị Thoan, trường hợp của anh Ngô Văn Hải (41 tuổi, quê Hải Dương) cũng tương tự. Anh Hải bị viêm gan B từ nhiều năm trước và uống thuốc nam nên đã khỏi. Khi đi khám bác sĩ không thấy vi rút hoạt động. Ung dung bệnh viêm gan đã khỏi nên anh không đi kiểm tra lại.
Thi thoảng vợ anh lại mua các loại lá về nấu nước cả nhà uống vì nghĩ thải độc cho gan. Tháng 3/2019, anh Hải đi kiểm tra sức khoẻ. Anh không chủ động đi kiểm tra mà vợ anh bị u xơ tuyến vú, trong lần đến Bệnh viện K tầm soát ung thư. Anh Hải cũng tiện đăng ký khám luôn. Ban đầu với suy nghĩ khám cho yên tâm. Tuy nhiên, khi xét nghiệm máu bác sĩ thấy chỉ số AFP cao bất thường nên bác sĩ cho làm siêu âm gan.
Đúng như nghi ngờ của bác sĩ, anh Hải có khối u trong gan và sinh thiết đó là ung thư gan. Anh Hải cho biết mình không có dấu hiệu gì của ung thư. Anh vẫn đi làm, không đau bụng, không mệt mỏi. Trường hợp của anh Hải may mắn là đi khám và phát hiện sớm. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt gan cho anh Hải.
Tại Bệnh viện K trung ương, có ngày bệnh viện tiếp nhận tới 3 bệnh nhân ung thư gan. Con số bệnh nhân ung thư ngày càng tăng. Trường hợp phát hiện sớm như của anh Hải chỉ chiếm 20% số bệnh nhân đến khám. Còn lại đều phát hiện ở giai đoạn bệnh đã quá muộn.
Ít dấu hiệu
TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K, cho biết ung thư gan là bệnh đứng đầu ở Việt Nam và dấu hiệu phát hiện sớm bệnh rất nghèo nàn. Người bệnh nào phát hiện sớm ở giai đoạn còn phẫu thuật được, chủ yếu là đi khám sức khoẻ và tình cờ phát hiện.
Còn khi đã có các dấu hiệu như đau bụng hạ sườn, vàng da, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. TS Bình cho biết lúc này tiên lượng bệnh cũng rất thấp. Đa số người bệnh chỉ sống được khoảng 1 năm sau khi bị chẩn đoán ung thư gan.
Khi bị chẩn đoán ung thư gan, nếu khối u dưới 3cm, gan chỉ mới bị xơ tiên lượng người bệnh sống trên 5 năm lên đến 80 - 90%. Trường hợp khối u ung thư gan đã lớn từ 3 - 6cm thì chỉ còn 60% cơ hội sống trên 5 năm và khối u to hơn 6cm thì tỷ lệ càng thấp hơn chỉ khoảng 10 %.
Với những bệnh nhân khối u to tới 10cm, vàng da, vàng mắt, việc điều trị chỉ có thể kéo dài sự sống cho người bệnh và các biện pháp giảm đau.
TS Bình cho rằng hiện Việt Nam có tỷ lệ mắc viêm gan vi rút cao tới 20% dân số. Đây là nguyên nhân chính gây xơ gan và ung thư gan. Tế bào ung thư phát triển âm thầm trong gan. Đến khi ung thư gan phát triển, do chức năng gan bị suy yếu nên không đào thải hết biliburin trong cơ thể ra ngoài, nước tiểu tối màu, vàng da lúc này bệnh đã tiến ra giai đoạn xa.
Điều trị ung thư gan có các phương pháp phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, các biện pháp tác động trực tiếp vào khối u như nút mạch, tiêm cồn. Tuy nhiên, dù áp dụng phương pháp gì thì việc quan trọng nhất vẫn phải là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Chính vì thế bác sĩ khuyến cáo nếu người nào mắc viêm gan B, C nên kiểm tra 6 tháng 1 lần tình trạng hoạt động của lá gan, người bình thường ít nhất 1 năm cũng phải khám sức khoẻ 1 lần.