Cô gái trẻ tử vong vì nhồi máu cơ tim
Hôm qua (15/12), khi đang đi bộ ở cầu vượt gần công viên Suối Tiên, Đỗ Thị T.L. đã bất ngờ ngã quỵ, nôn ói. Dù được sơ cứu nhưng cô gái đã tử vong.
Theo xác minh của công an quận Thủ Đức (TP.HCM), cô gái qua đời do lên cơn nhồi máu cơ tim cấp, không phải do ngộ độc thực phẩm như đã nghi ngờ trước đó.
Nhồi máu cơ tim được xem là bệnh tim mạch phổ biến ở nước ta và đang ngày càng trẻ hoá.
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP Hồ Chí Minh, nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng hoại tử một vùng cơ tim, hậu quả của thiếu máu cục bộ cơ tim. Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý thường gặp và có liên quan nhiều đến sức khoẻ cộng đồng.
Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, tỷ lệ nhồi máu cơ tim cấp ngày càng có khuynh hướng tăng lên rõ rệt. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng nhồi máu cơ tim cấp vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm, luôn đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới WHO, hàng năm có khoảng 7 triệu người tử vong do nhồi máu cơ tim và 5 triệu người tử vong do tai biến mạch máu não. Một số chuyên gia ước tính, con số này sẽ tăng lên và là nguyên nhân tử vong hàng đầu vào năm 2020. Tỷ lệ tử vong nhồi máu cơ tim cấp trước đây khoảng 30 - 40%, trong đó có tới 50% trong số đó bị chết trong giờ đầu tiên.
Nhồi máu cơ tim là một biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành. Nhồi máu cơ tim cấp nghĩa là có một nhánh mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, làm chết một vùng cơ tim mà nhánh mạch máu này nuôi dưỡng.
PGS Nam cho rằng nguyên nhân của nhồi máu cơ tim là do xơ vữa mạch vành. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch vành bao gồm rối loạn lipid máu, tăng cholesterol máu toàn phần, tăng LDL-C huyết tương, giảm HDL-C huyết tương, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim
Theo PGS Nam nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim là xơ vữa mạch vành. Thời gian lão hoá của cơ thể khiến lòng mạch ngày càng hẹp lại nhưng ở người trẻ được chỉ ra chủ yếu do lối sống lười vận động, ăn uống giàu chất béo làm gia tăng tình trạng máu nhiễm mỡ. Điều này làm thúc đẩy hình thành mảnh xơ vữa động mạch vành.
Những món ăn giàu chất béo bão hòa như các chất béo có ở thịt, phô mai, sữa. Những chất béo này làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu và làm giảm cholesterol tốt. Cholesteron xấu có thể dính vào thành động mạch và tạo ra mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa là một chất cứng ngăn chặn lưu lượng máu trong động mạch. Khi mảng xơ vữa có hiện tượng nứt vỡ, các tiểu cầu trong máu kéo đến tác dụng hình thành cục máu đông, gây hẹp và tắc nghẽn lòng mạch.
Cộng với yếu tố tăng huyết áp làm nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng lên. Khi huyết áp tăng cao sẽ làm tổn thương động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.
PGS Nam cho biết ở những người có yếu tố cao như hút thuốc lá, bị đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nếu thấy các dấu hiệu như đau ở ngực, lưng, hàm, khó thở, người ớn lạnh, nôn ói, choáng váng hoặc chóng mặt đột ngột, nhịp tim nhanh, mất khả năng gắng sức cần vào viện ngay lập tức.
Để phòng bệnh nhồi máu cơ tim, PGS Nam cho rằng cần thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống tĩnh tại hàng ngày bằng cách tăng cường vận động thể dục, thể thao.
Trong chế độ ăn hàng ngày cần tăng cường bổ sung các loại rau, trái cây nhiều chất xơ (bơ, cam, táo, chà là, chuối...), sử dụng thực phẩm giàu chất béo chưa bão hòa như omega 3, omega 6 ít nhất 2 ngày trong tuần. Tránh đồ chiên xào, đồ nướng, thịt đỏ và tất cả những đồ ăn chứa chất béo bão hòa. Nếu ăn thịt, bạn chỉ nên ăn thịt trắng, thịt gia cầm bỏ da.
Đồng thời, nên ăn ít muối và hạn chế đường. Những người mang các yếu tố nguy cơ trên càng phải tránh dầu mỡ, đồ chiên rán, phủ tạng động vật…