Khi nào nên tập cho con ăn cơm nát
Ở giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi, trẻ đã mọc đủ răng. Nếu mẹ cứ ép trẻ ăn cháo sẽ khiến trẻ mau chán và gặp khó khăn trong vấn đề nhai thức ăn thô, ảnh hưởng không tốt đến việc ăn uống sau này khi bé đến tuổi đi học.
Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, trẻ phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn do sức vận động và nhu cầu vui chơi, học hỏi của trẻ tăng lên. Chỉ ăn cháo loãng hoặc uống sữa sẽ khó lòng đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.
Tập cho con ăn cơm nát từ từ là vô cùng quan trọng, giúp trẻ luyện răng, luyện cơ nhai và giúp hệ tiêu hóa của trẻ phát triển ngày càng hoàn thiện. Nếu cha mẹ cho con ăn cơm muộn sẽ khiến bé biếng ăn, chán ăn, dẫn tới gầy yếu, việc chỉ nuốt cháo khiến cơ nhai của bé không phát triển.
Ở giai đoạn này, trẻ thường hiếu động hơn. Do đó, các mẹ tập cho con ăn cơm nát cần phải có phương pháp và kiên nhẫn. Không nên đột ngột thay cháo bằng cơm toàn bộ mà vẫn nên duy trì cháo. Ban đầu trẻ có thể chỉ ăn được 1 - 2 muỗng cơm, còn lại sẽ ăn cháo, dần dần mẹ tăng lượng cơm lên một chút và giảm cháo đi.
Cách tập cho con ăn cơm nát
Trước hết, mẹ nên cho bé làm quen với các loại bánh, thức ăn cần phải cắn, nhai lâu, các loại thức ăn có độ dai vừa phải để bé bắt buộc phải sử dụng răng.
Cho bé chủ động chọn loại thức ăn ăn cùng với cơm nát, điều này có tác dụng tâm lý đối với bé, kích thích từ việc bé đã tự chọn, bé sẽ thích ăn hơn là mẹ chọn thức ăn cho bé.
Cho bé tập với cháo thô dần dần đặc lên thành cơm nát, thời gian đầu có thể bé sẽ ọe khi cho thức ăn vào miệng, tuy nhiên bé sẽ thích nghi dần. Mẹ hãy giúp bé bằng cách cho bé ăn từng chút một, mỗi thìa nhỏ thôi để bé dễ nuốt.
Cho bé làm quen với cơm nát và thực phẩm thô nhưng độ thô đồng đều, tuyệt đối không trộn thức ăn thô, cơm nát với thức ăn đã xay nhuyễn, điều này dễ làm cho trẻ nôn ọe hơn bình thường.
Hãy để bé tự xúc thức ăn, tâm lý của bé khi đối mặt với thức ăn thô, cơm nát lúc đó ổn định hơn, bé hoàn toàn nhận thức mình đang ăn gì như vậy bé sẽ ít bị phản xạ ọe hơn.
Cách nấu cơm nát cho con
Cách 1: Nấu “một nồi - hai lòng”
Mẹ vo gạo, bỏ nước, nấu cơm chung cho cả gia đình như bình thường. Khi nồi cơm gần bật nút chuyển sang chế độ hâm thì lấy ra một chén cơm nhỏ vừa với khả năng ăn của bé, cho thêm nước rồi bỏ lại vào nồi, bật nút nất lần nữa. Khi cơm chín, sẽ có cơm cho cả nhà và cơm nát riêng cho con.
Cách 2
Mẹ chuẩn bị 1 cái chén ăn cơm, khi nấu cơm cho cả nhà thì mẹ lấy một khoảng 2 muỗng canh gạo và 1/3 chén nước cho vào, để nguyên chén cho vào nồi cơm chuẩn bị nấu cho cả nhà.
Với cách nấu như thế, con sẽ có 1/2 chén cơm như của người lớn. Khi nồi cơm gia đình chín tức là chén cơm của con cũng đã được nấu xong. Làm như vậy, con ăn cơm chín đều, ngon và mềm. Lưu ý, chén đặt trong nồi cơm điện phải là chén sứ hoặc inox.
Cách 3
Nấu cơm cho cả gia đình như bình thường. Khi cơm chín, xới cơm của bé ra một chén nhỏ, đổ thêm nước rồi đậy kín, cho vào lò vi sóng ở nấc cao nhất từ 3-5 phút sẽ có cơm nát cho bé. Mẹ chỉ nên sử dụng cách này như biện pháp chữa cháy khi quên không nấu kịp cơm nát cho con.
Một cách khác tốt hơn là lấy cơm của người lớn đã nấu chín, cho thêm nước rồi đặt lên bếp, nấu lửa nhỏ trong 5 phút, tắt lửa, đậy nắp kín để hấp trong 5 phút. Cơm nát của bé sẽ rất mềm và ngon.
Cách 4
Nấu chung một nồi nhưng không cần cho một chén riêng. Khi cho gạo và nước vào nồi, mẹ vun một góc gạo cao, một góc gạo thấp. Như vậy với cùng một lượng nước, bên nhiều gạo cơm sẽ chín vừa, bên ít gạo cơm sẽ nát mềm. Khi xới, mẹ lựa bên ít cơm, xới thấy nát hơn để lấy cho con ăn.
Tập cho con ăn cơm nát giúp tạo điều kiện để hỗ trợ con thật tốt trong việc phát triển cơ hàm, phát triển thể chất. Đồng thời góp phần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho bé.