Bánh trung thu ăn kiêng là loại bánh đang được nhiều người ưa chuộng bởi chúng có thể giúp bạn đảm bảo hai tiêu chí: vừa ăn được bánh vừa không lo tăng cân xấu dáng.
Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh trung thu
Bánh trung thu là loại bánh nướng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đã được truyền bá rộng rãi khắp thế giới và trở thành món ăn không thể thiếu vào dịp trăng rằm.
Theo như truyền thuyết được người xưa kể lại, vào cuối thời nhà Nguyên, để truyền đạt tin tức và mệnh lệnh bí mật, người dân đã làm ra những chiếc bánh nướng hình tròn có nhét trong nhân tờ giấy báo tin. Nhờ vậy, tin tức được truyền đi một cách nhanh chóng, an toàn đem lại nhiều thắng lợi.
Vì thời gian mặc định ghi trên bánh là thời điểm trăng sáng nhất nên về sau cứ đến đêm rằm tháng tám hằng năm, người dân lại lấy ngày này cũng như loại bánh này kỉ niệm cho sự kiện ấy.
Tuy không có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng hằng năm, bánh trung thu vẫn là món ăn không thể thiếu trong không gian mỗi nhà. Chính kiểu dáng tròn đầy như trăng sáng của bánh phần nào nói lên ước nguyện đoàn viên, sum vầy hạnh phúc của các thành viên trong gia đình.
Vì lẽ đó, tết trung thu còn được gọi là tết đoàn viên. Cứ mỗi mùa trăng tròn, ai dù ở xa đến mấy cũng tranh thủ về lại bên gia đình thân yêu, thưởng thức miếng bánh ngọt, nhâm nhi tách trà nóng và chuyện trò cùng nhau thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Cách làm bánh trung thu ăn kiêng
Cách 1
Nguyên liệu
1 gói bột làm vỏ bánh
100g mật ong
15ml dầu ăn hoặc dầu dừa
50g bột trà xanh
1 ít sữa tươi không đường
1 muỗng cà phê tinh dầu hoa bưởi
500g khoai lang
1 ít nước cốt dừa
25g bột làm bánh
Cách chế biến
Đầu tiên, đem mật ong, dầu ăn, tinh dầu hoa bưởi, sữa tươi cho vào tô trộn đều. Sau đó, cho bột làm bánh dẻo và bột trà xanh vô một tô khác, khuấy cho hòa tan rồi rắc vào hỗn hợp vừa trộn để thu được khối bột dẻo mịn. Tiếp theo, dùng màng bọc thực phẩm bao lại cho bột nghỉ trong 30 phút.
Khoai lang đem rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ rồi cho vào nồi hấp cách thủy trong 20 phút. Kế đến, cho ra tô dầm nhuyễn rồi trộn cùng nước cốt dừa, dầu ăn, bột làm bánh dẻo. Bắc chảo lên bếp, trút hỗn hợp này vào sên trên lửa nhỏ đến khi chúng quánh mịn, không dính tay thì ngưng.
Tiếp theo, chia bột vỏ bánh và nhân thành những viên tròn nhỏ sao cho lượng bột vỏ gấp đôi nhân. Lấy từng vỏ bánh cán dẹt, đặt nhân khoai lang vào giữa rồi vo tròn lại. Chuẩn bị khuôn bánh trung thu, rắc một lớp bột vào đó để bánh không dính khuôn.
Cho từng viên bánh vào, ấn nhẹ các góc để nhìn rõ các chi tiết, hoa văn rồi gõ nhẹ để lấy bánh ra khỏi khuôn. Số bánh này nếu không dùng ngay có thể đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để thưởng thức dần sau đó.
Cách 2
Nguyên liệu
360g bột bánh dẻo
200g đường
120g chất bảo quản dạng mỡ màu trắng đục (shortening)
1 chén nước cốt lá dứa
300g khoai lang vàng
300g khoai lang tím
1 muỗng cà phê bơ thực vật mềm
Cách chế biến
Đầu tiên, rửa sạch 2 loại khoai rồi cho vô 2 nồi riêng nấu chín. Sau đó, gọt vỏ khoai vàng, cho vào tô nghiền nhuyễn. Để thu được hỗn hợp mịn nhất, lọc khoai qua rây rồi thêm bơ, trộn đều. Bắc chảo lên bếp, trút khoai vào sên trên lửa nhỏ cùng một ít đường. Với khoai lang tím, chị em cũng thực hiện tương tự nhưng không thêm đường.
Sau khi sên xong, đợi nguội, vo khoai thành từng viên tròn nhỏ. Tiếp theo, cho bột bánh dẻo, nước cốt lá dứa, đường và shortening vào tô khuấy đều. Để hỗn hợp thành một khối mịn, dẻo, bạn có thể dùng tay nhồi rồi chờ ủ trong 1 tiếng. Ủ xong, chia bột thành từng viên tròn có kích thước lớn gấp đôi nhân bánh.
Lấy từng viên vỏ bánh cán thật mỏng rồi cho nhân vào giữa vo tròn. Sau khi làm xong, đặt các viên bánh vào khuôn rồi nén chặt để định hình. Lấy bánh ra khỏi khuôn, cho vào ngăn mát tủ lạnh trong vài giờ là có thể lấy ra thưởng thức ngay.
Cách 3
Nguyên liệu
280g bột mì nguyên cám
150g mật ong
30ml dầu hướng dương
10g bơ đậu phộng
1 lòng đỏ trứng gà
20ml rượu mai quế lộ (rượu thơm)
1 muỗng cà phê dầu mè
1 muỗng cà phê dầu gấc
100g mỗi loại hạt tự chọn theo sở thích (hạt điều, mè, hạt dưa, hạt bí, đậu phộng, nho khô, hạnh nhân, hạt chia)
Yến mạch
Sữa tươi không đường
Cách chế biến
Đầu tiên, cho yến mạch vào máy xay mịn, trộn cùng sữa tươi không đường tạo thành hỗn hợp kết dính. Sau đó, cho các loại hạt chị em đã chọn vào tô, đổ hỗn hợp yến mạch vô nhồi thật đều để thu được khối mềm dẻo, không khô. Phần nhân bánh đã chuẩn bị xong, để sang một bên để tiếp tục làm vỏ bánh.
Tiếp theo, trộn bột mì và yến mạch xay mịn theo tỉ lệ 1:1. Các nguyên liệu lỏng còn lại gồm mật ong, bơ đậu phộng, dầu hướng dương, rượu trút vào tô hòa tan. Kế đến cho bột vào nhồi đều tay đến khi vừa dẻo là được. Chờ hỗn hợp nghỉ trong 30 phút rồi lấy ra chia thành từng phần nhỏ.
Dùng cây lăn cán vỏ bánh thành miếng dẹp, múc nhân đã chuẩn bị cho vào giữa rồi cẩn thận gói lại thành viên tròn. Sau đó, cho tất cả vào khuôn bánh trung thu, ấn nhẹ và chặt để mặt bánh in rõ hoa văn. Hoàn thành, để vào lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C.
Tùy vào kích thước bánh to hay nhỏ mà chị em có thể canh thời gian đến khi thấy vàng mặt là có thể lấy ra. Đợi nguội, dùng hỗn hợp lòng đỏ trứng trộn dầu mè, dầu gấc phết lên mặt bánh rồi nướng tiếp lần 2. Bánh vàng đậm hơn, tiếp tục lấy ra đợi nguội và cho vào lò lần thứ 3 là hoàn thành.
Cách 4
Nguyên liệu
400g khoai lang tím
150g bột nếp
100g đậu xanh không vỏ
100g đường trắng
30ml dầu ăn
Cách chế biến
Đầu tiên, ngâm đậu xanh trong nước khoảng 3 giờ hoặc để qua đêm. Sau đó, cho chúng vào nồi nấu chín mềm, lấy ra tô giã nhuyễn. Bắc chảo lên bếp, trút đậu xanh vào đảo đều cùng 100g đường trắng đến khi đường tan, thu được khối đậu đặc mịn thì tắt lửa.
Tiếp theo, gọt vỏ khoai lang, rửa sạch rồi hấp chín, nghiền nhuyễn tương tự đậu xanh. Để vỏ bánh mịn hơn, chị em cho khoai đã giã qua rây lọc thêm lần nữa. Kế đó, trộn khoai cùng bột nếp, dầu ăn thành khối đặc mịn. Chia khoai cùng đậu xanh ra các viên tròn nhỏ sao cho kích thước viên khoai lớn gấp đôi đậu.
Không cần dùng cán lăn bột, chị em chỉ cần ấn nhẹ viên khoai cho chúng hơi dẹp, sau đó đặt nhân đậu vào giữa, khéo léo vo tròn lại đặt vô khuôn bánh là hoàn thành. Để bánh trung thu khoai lang tím có tạo hình đẹp mắt, bạn đừng quên ấn chặt để hoa văn khuôn in lên đều lên bánh. Món ăn đã xong, giờ cả nhà chỉ việc lấy ra và thưởng thức thôi.
Các cách làm bánh trung thu ăn kiêng trên đây vô cùng đơn giản. Chẳng cần dụng cụ hay nguyên liệu cầu kì, chị em vẫn có thể chế biến nên nhiều loại bánh khác nhau để đổi vị mỗi mùa trăng tròn. Chúc bạn thành công!