Cách làm bánh khọt đặc trưng ở 3 miền đất nước
Bánh khọt là loại bánh nghe tên có vẻ kì lạ nhưng thực ra là một món ăn quen thuộc vì gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Món ngon dân dã, bình dị này phổ biến ở khắp 3 miền đất nước ta từ miền Trung nắng gió đến miền Tây sông nước.
Bánh khọt có tên trong danh sách đặc sản địa phương nhiều tỉnh từ Tuy Hoà, Vũng Tàu đến Nha Trang, Kiên Giang…
Làm bánh khọt không khó nhưng để học được cách làm bánh khọt ngon đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn chế biến, dù là nhỏ nhất để tạo thành món bánh hoàn hảo với vỏ bánh có độ giòn mà không bị cháy khét.
Một chiếc bánh khọt ngon phải có vỏ ngoài vừa giòn, vừa dai, nhân bánh bên trong chín đều mà mềm mại và có vị béo ngậy cùng vị ngọt tự nhiên của tôm tươi kết hợp cùng vị thơm của mỡ hành. Màu vàng tươi của chiếc bánh khọt nhỏ hình tròn được làm chín trong khuôn láng dầu tạo nên sự hấp dẫn.
Bánh khọt ở mỗi vùng miền, mỗi tỉnh có một sự khác biệt riêng nhưng đều có điểm chung là ngoài giòn, trong mềm, khi ăn có vị hơi dai và độ thơm ngon tạo nên hương vị riêng biệt của bánh.
Cách làm bánh khọt miền Trung
Bánh khọt miền Trung có nguyên liệu và cách chế biến khá đơn giản vì chỉ cần một ít bột gạo, thêm vài muỗng bột nghệ cùng nhân tôm thịt qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ là đã có những chiếc bánh tròn tròn dễ thương.
Bánh khọt miền Trung đơn giản vậy thôi nhưng là nỗi nhớ da diết với những người con xa quê, thèm món ăn quê nhà.
Hướng dẫn cách làm bánh khọt miền Trung:
Nguyên liệu làm bánh bao gồm:
500gr bột gạo, 5gr bột nghệ
400gr thịt nạc dăm băm nhỏ
300gr tôm tươi, 3 quả trứng vịt
500gr dừa nạo, 300gr đậu xanh hột
1 củ nhỏ cà rốt và 1 củ cải trắng
Hành lá, hành tây, hành tím
Tiêu, đường, muối, chanh, ớt, nước mắm
Rau thơm các loại
Bước 1: Sơ chế
500gr dừa nạo để vắt lấy nước cốt dừa. Tôm tươi sau khi làm sạch thì cắt nhỏ hình hạt lựu hoặc khoanh tròn. Cà rốt và củ cải trắng cắt sợi mỏng, bóp với ít muối, rửa sạch, sau đó vắt ráo nước. Đậu xanh sẽ luộc chín. Hành tây cắt hạt lựu, hành tím xắt thật mỏng, hành lá thì xắt khúc nhỏ.
Bước 2: Chế biến
Cách pha bột làm bánh khọt giòn: trộn bột gạo, bột nghệ, hành lá, trứng vịt và 4/5 nước cốt dừa và nước ấm rồi khuấy đều lên cho bột không vón cục, thêm chút muối vào để bột nghỉ khoảng 20 phút.
Làm nhân bánh khọt: Tôm, thịt nạc dăm, đậu xanh luộc chín, hành tây xào sơ qua. Bước tiếp theo là nêm nếm vừa ăn rồi trộn 1/5 nước cốt dừa vào nữa là được.
Bước 3: Tráng bánh
Đặt khuôn bánh lên bếp rồi cho ít dầu ăn vào tráng từng khuôn, múc bột bánh đổ vào khuôn. Đến bước này cần đợi bột se lại rồi cho ít hỗn hợp nhân vào giữa, cuối cùng là đậy nắp vung lại cho bánh chín là lấy ra.
Món ngon thành phẩm sẽ là bánh khọt có màu vàng ươm, nhân màu nâu đỏ của tôm, lá hành lúc này bám vào bánh tạo thành sắc xanh. Để món bánh tròn vị miền Trung thì phải ăn bánh khọt kết hợp cùng rau sống, rau củ muối có thể thay bằng cà rốt, củ cải và nước chấm chua ngọt.
Cách làm bánh khọt Vũng Tàu
Khác với bánh khọt miền Trung, bánh khọt Vũng Tàu có hình tròn, to như cái chén uống nước chè và được làm chín bằng cách nướng trong khuôn có tráng dầu sẵn. Những công đoạn làm món bánh ngon này không phức tạp nhưng vẫn đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến.
Nguyên liệu làm bánh cũng gần giống món bánh khọt miền Trung như:
Bột gạo: 300g
Nước cốt dừa: 1/2 ly
Tôm: 400g
Hành lá, dầu ăn, đu đủ xanh, rau thơm, bột nghệ
Nước mắm ngon, tỏi, ớt, đường, giấm,nước lọc
Công đoạn pha bột bánh là khó nhất vì nó quyết định những chiếc bánh ra lò có ngon hay không. Cách làm bánh khọt giòn là bột gạo sau khi xay phải được pha với nước và cốt dừa theo một tỉ lệ nhất định.
Nếu cho nước nhiều hơn bột thì bột bánh sẽ bị loãng, bánh dễ vỡ vụn mà cũng không giòn, không dẻo. Ngược lại, nếu cho bột nhiều hơn lượng nước cần thiết sẽ khiến bột bánh bị đặc, lúc này bánh sẽ bở và không ngon vì không có độ dai.
Món bánh khọt mà đặc biệt là bánh khọt Vũng Tàu không thể thiếu đồ ăn kèm và nước chấm vì đó là linh hồn của món ăn. Bánh Khọt Vũng Tàu có món ăn kèm là gỏi đu đủ. Đây là một điểm đặc trưng, khác với món bánh miền Trung hay miền Tây.
Đu đủ sau khi thái sợi sẽ cho vào nước chấm, hòa cùng vị chua chua ngọt ngọt kích thích tiêu hóa khiến thực khách ngon miệng hơn. Nước chấm trong món bánh khọt là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hương vị món ăn. Tùy từng người pha chế mà món nước chấm có vị đặc trưng riêng.
Cách làm bánh khọt:
Tôm cần được bóc vỏ, bỏ chỉ đen và rửa sạch ướp với một chút bột nêm.
Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu ăn, phi thơm hành và cho 200g tôm vào xào sơ.
200g tôm còn lại luộc chín, giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, sau đó cho tôm đã giã nhuyễn vào và cháy đều đến khi tôm mịn và khô rang là được.
Hành lá xắt nhỏ rồi đảo qua với chút mỡ, phần rau thơm mang rửa sạch và xếp lên đĩa.
Cho nước cốt dừa và nước lạnh vào cùng với bột, nêm một chút muối, bột nêm và khuấy đều. Bột nên được ngâm khoảng 10 phút sau đó cho thêm bột nghệ và hành lá vào, khuấy đều.
Bắc khuôn bánh lên bếp, để lửa vừa phải. Chờ khuôn nóng, phết dầu đều lên các khuôn nhỏ. Múc bột đổ vào 2/3 khuôn, đậy nắp khoảng 30 giây cho bánh hơi chín rồi mới cho tôm lên mặt bánh.
Đậy nắp và canh cho bánh vàng giòn (chờ khoảng 1 phút), dùng đũa thật dài và muỗng nhỏ lấy bánh ra rồi cho chút hành mỡ và tôm cháy lên trên.
Cách làm bánh khọt miền Tây
Bánh khọt miền Tây ngon có dáng bánh không quá dày cũng không quá mỏng. Những chiếc bánh phải vừa giòn vừa dai. Vỏ bánh hơi có màu vàng sậm đậm hơn màu của bánh khọt Vũng Tàu. Lòng bánh trắng tinh lại được điểm thêm màu xanh của hành lá xắt nhỏ, màu đỏ gạch của tôm lột vỏ.
Nguyên liệu làm bánh khọt miền Tây cho 5 người ăn như sau:
1kg bột bánh khọt hoặc bột bánh xèo (bột này bạn có thể mua tại siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa).
400gr thịt nạc dăm
300gr tôm tươi
3 quả trứng
500ml nước cốt dừa
300gr đậu xanh
1 củ cà rốt, 1 củ cải trắng, hành lá, hành tím: 3 củ, hành tây: 1 củ
Gia vị: tiêu, đường, muối, bột ngọt,…
Chanh, ớt, nước mắm, rau sống (cải xanh, xà lách, rau thơm các loại)
Dụng cụ cần thiết: Khuôn bánh khọt, bát sạch, thìa, muỗng
Nhân bánh khọt miền Tây cũng được làm từ tôm tươi bóc vỏ. Ngoài ra, còn có phần tôm cháy màu vàng làm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho chiếc bánh khọt. Làm tôm cháy khá đơn giản nhưng cũng tốn không ít thời gian.
Tôm mua về được làm sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, cho phần thịt vào giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm đã giã nhuyễn vào và cháy đều đến khi tôm mịn và khô rang là được.
Tôm lột và hành lá là hai thành phần giúp tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho món bánh khọt. Sau khi xào nhân và làm bánh xong thì bạn pha nước chấm và trang trí.
Làm nước chấm theo kiểu miền Nam cũng rất đơn giản nhưng có cho thêm ít đường vì vị miền Tây ưa ngọt.
Sau các công đoạn làm bánh bạn sẽ có một món bánh khọt với lớp vỏ vàng ươm, nhân tôm thịt đậm đà, ăn kèm cùng cà rốt, củ cải bào sợi cùng nước chấm và rau sống, rau thơm vừa đẹp mắt và tốt cho sức khỏe.
Chúc bạn thành công!