Nếu ai yêu thích cà chua thì đây là lúc thích hợp để thưởng thức bởi cà chua đang chín rộ, vừa ngon, rẻ mà lại an toàn.
Cà chua là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng và lành mạnh, có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa và điều trị bệnh suy nhược, chống nhiễm trùng. Hàm lượng calo trong cà chua thấp nhưng giàu chất xơ và vitamin cực kì tốt cho sức khỏe và làm đẹp.
Ăn cà chua thế nào cho tốt?
Mặc dù cà chua có nhiều lợi ích sức khỏe nhưng ăn quá nhiều có thể gây ra một số vấn đề cho bạn.
Một trong số đó là trào ngược axit, vì cà chua có chứa axit malic và axit citric, nếu tiêu thụ quá nhiều các axit này có thể làm cho dạ dày của bạn "quá chua" và trào ngược axit.
Ăn quá nhiều cà chua có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận. Theo giải thích của các chuyên gia thì cà chua rất giàu canxi và oxalate. Ăn nhiều thì lượng canxi và oxalate vào cơ thể cũng quá nhiều khiến cơ thể khó loại bỏ hết được. Phần dư thừa sẽ bắt đầu lắng đọng trong cơ thể, khiến sỏi thận hình thành.
Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều cà chua cũng có thể làm cho da bạn xấu đi bởi cà chua có chứa lycopenodermia - một chất tạo nên màu sắc, nếu vào cơ thể quá nhiều có thể dẫn đến thay đổi màu của da.
Vậy ăn bao nhiêu cà chua một ngày là đủ? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với người lớn chỉ nên nạp vào cơ thể tối đa 200g – 300g cà chua chín/ ngày (tương đương 2 – 3 quả). Con số này sẽ giảm hơn nhiều nếu dùng để chế biến thực phẩm cho bé, dao động từ 50g – 100g/ ngày (từ 0,5 – 1 quả).
5 không khi ăn cà chua nhất định bạn phải biết
Không ăn khi đói
Trong thành phần của cà chua có một lượng lớn chất cầm máu có thể hòa tan. Nó có thể gây ra phản ứng với a xít dạ dày, kết thành các khối cứng không dễ tan. Những khối cứng này có thể làm tắc nghẽn môn vị dạ dày, dẫn đến những triệu chứng khó chịu như sưng trướng dạ dày, đau bụng…
Không ăn hạt cà chua
Hạt cà chua cũng như hạt ổi, trong đường ruột không tiêu hoá được. Trong quá trình vận chuyển thức ăn của đường ruột, người ta sợ nó lọt vào ruột thừa dễ gây viêm ruột thừa. Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều hạt, đặc biệt là những hạt có kèm theo chất camen dễ gây táo bón, trẻ lại nhiều giun thì dễ biến chứng thành thắt ruột do giun, không lợi cho sức khoẻ.
Không ăn cùng dưa chuột
Lý do vì dưa chuột chứa một loại enzyme catabolic, sẽ phá hủy hàm lượng vitamin C có trong các loại rau khác. Trong khi đó, cà chua là một loại rau có chứa một số lượng lớn vitamin C. Nếu bạn ăn hai loại thực phẩm với nhau, vitamin C trong cà chua sẽ bị phân hủy và bị phá hủy bởi các enzyme catabolic trong dưa chuột.
Không nấu quá kĩ
Khi bạn sử dụng cà chua đã bị nấu chín kĩ hoặc để trong thời gian dài, dinh dưỡng và hương vị sẽ bị mất đi. Bên cạnh đó, nếu bạn ăn phải cà chua không còn chất dinh dưỡng có thể gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm, không tốt cho sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Không ăn khi còn xanh
Cà chua chưa chín có chứa số lượng lớn các yếu tố "alkaloid" nếu tiêu thụ sẽ dễ gây ngộ độc biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, tiết nước bọt, yếu sức, mệt mỏi và các triệu chứng khác... thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Khi cà chua chín, các chất độc hại đó sẽ giảm dần và sẽ biến mất trong cà chua chín đỏ. Vì vậy, với những quả cà chua màu xanh lá cây chưa chín, tuyệt đối không nên ăn.