Vậy việc nhiều người đổ xô đi tiêm vắc xin thì có thực sự cần thiết?
Chiều 11/7, Bộ Y tế vừa có thông tin khuyến cáo về việc nhiều người tự ý đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, sau khi phát hiện các ca mắc và một trường hợp tử vong. Thông tin từ Bộ Y tế cho rằng, người dân không nên quá hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin không chính thống, nhất là trên mạng xã hội.
Điều đặc biệt, tuyệt đối không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc xin.
Nếu muốn bảo vệ bản thân, trong trường hợp cần thiết bạn cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm. Có như thế mới mang lại hiệu quả tuyệt đối cho người tiêm vắc xin.
Chia sẻ trên Phụ nữ và Pháp Luật: thông tin từ Bộ Y tế cho rằng: hiện tại Việt Nam triển khai tiêm 05 liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tạo miễn dịch lâu dài, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em ở Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng.
Với việc bổ sung liều vắc xin cần dựa trên tình hình dịch tễ cụ thể của từng quốc gia và đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh, theo khuyến cáo từ WHO.
Để có thể chủ động phòng bệnh bạch hầu và bảo vệ sức khỏe, người dân cần lưu ý đến những vấn đề sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
- Đối với người dân đang sinh sống trong vùng có ổ dịch hoặc lân cận cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Nếu không may tiếp xúc gần với người mắc bệnh cần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế để được thăm khám và điều trị đúng lúc, đúng liều.
- Trong khoảng thời gian nhạy cảm này, bạn cũng nên hạn chế đến nơi đông người. Khi tiếp xúc với người khác cũng cần giữ khoảng cách. Đặc biệt, khi ra ngoài cần mang khẩu trang để bảo vệ bản thân cũng như người xung quanh.
- Đối với trẻ nhỏ, ba mẹ nên vệ sinh nơi ở và khu vui chơi của con thường xuyên, nên cho trẻ tiêm đủ vắc xin cần thiết. Khi cho con ra ngoài chơi, ba mẹ cần quan sát và không để trẻ tiếp xúc với những trường hợp nghi bệnh.