Chiều 24-7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Văn phòng đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ) tại Việt Nam cùng đại diện các các cơ quan liên quan đã họp khẩn để bàn phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, theo tài liệu của WHO, bệnh do virus này có thể lây lan từ động vật sang người và từ người sang người.
Người mắc bệnh có các triệu chứng như sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban của bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu trong 1-3 ngày khởi sốt; tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Theo CDC Hoa Kỳ, hầu hết người bệnh sẽ hồi phục trong vòng 2-4 tuần. Virus gây ra các phát ban, mụn nước có thể lan rộng khắp cơ thể và rất đau đớn.
Các đồ dùng sinh hoạt như quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.
Virus đậu mùa khỉ cũng có thể làm lây bệnh từ thai phụ cho con qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.
Vaccine cho căn bệnh này đang được phát triển.
Trước đó, ngày 23-7, WHO đã tuyên bố sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 75 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Tuyên bố được đưa ra sau gần 3 tháng dịch bệnh này bùng phát ra bên ngoài châu Phi, với tốc độ lây lan nhanh và số người mắc đang tăng mạnh ở nhiều nước.