Ông M.V.T. (73 tuổi) phát hiện bị ung thư thận vào tháng 5. Bệnh nhân tìm đến các bài thuốc dân gian nhưng vô hiệu. Ban đầu, bác sĩ ghi nhận chồi bướu mới lú vào một phần tĩnh mạch chủ. Nhưng 2 tuần sau, bướu đã bít kín lòng tĩnh mạch chủ bụng và lấn sang một phần tĩnh mạch thận trái, dính vào tá tràng.
Diễn tiến bệnh rất nhanh. Nếu chần chừ can thiệp, chồi bướu sẽ đi theo đường tĩnh mạch, chạy lên tim gây tử vong nhanh chóng.
Một kế hoạch phẫu thuật chi tiết được xây dựng, với sự tham gia của các chuyên gia ngoại tiêu hóa, ngoại niệu, mạch máu, gây mê... Mục tiêu là bóc tách khối u dính ở ruột an toàn, cắt thận phải, rạch tĩnh mạch chủ để lấy chồi bướu đang bít bên trong.
Ngày 9/7, ca phẫu thuật được thực hiện bằng sự hỗ trợ của robot. Ê-kip ngoại tiêu hóa khéo léo bóc tách phần rễ và hạch của bướu dính ở tá tràng. Sau đó, bác sĩ niệu cắt bỏ thận phải và bóc khối u. Căng thẳng nhất là khi mở tĩnh mạch lấy chồi bướu.
Theo bác sĩ Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), ê-kip bắt buộc lấy toàn bộ khối bướu, không thể cắt đứt từng phần. Nếu thao tác đứt, bướu sẽ di chuyển theo dòng máu về tim, đi đến phổi, bít động mạch phổi. Khi đó, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong.
Công đoạn này phải thực hiện nhanh do phải khống chế tĩnh mạch chủ. Nếu thời gian kẹp tĩnh mạch chủ kéo dài, máu không thể về tim, bệnh nhân cũng sẽ nguy kịch.
“Máu không về tim cũng giống như xe chạy không có xăng, bơm không có nước vào. Càng lâu, bệnh nhân sẽ bị rối loạn huyết động học”, bác sĩ Đức nói.
Trong 32 phút khống chế tuần hoàn, ê-kip đã bóc hết chồi bướu và khâu lại tĩnh mạch chủ. Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ, bệnh nhân được xuất viện 6 ngày sau đó. Khối bướu lấy ra khá lớn, kích thước 7x10 cm.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phú Phát, Trưởng khoa Niệu A, cho biết thông thường, ung thư thận có thể phát hiện sớm. Trường hợp này, bệnh đã diễn tiến khoảng 3-5 năm mà bệnh nhân không hay biết nên khối u xâm lấn vào lòng tĩnh mạch.
Theo y văn, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4-10% các ca ung thư thận. Nếu không điều trị, người bệnh chỉ sống thêm được khoảng 5 tháng. Nếu cắt thận và lấy chồi bướu, tỷ lệ sống 5 năm ghi nhận đến 64%.
Thực tế, ung thư thận là loại ung thư ít gặp. Do chăm sóc y tế tốt, người bệnh có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi siêu âm kiểm tra sức khỏe. Trong hầu hết trường hợp, ung thư thận thường không có triệu chứng.
Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến âm thầm đến giai đoạn muộn, người bệnh phải trải qua các ca phẫu thuật phức tạp và tốn kém, chưa kể đến nguy cơ di căn. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện bất thường và can thiệp sớm nếu cần thiết.