Theo thông tin từ VnExpress, trong công văn gửi sở y tế các địa phương về dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế cảnh báo thời gian tới, nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn.
Đối với người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc mát mẻ như sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát 15-20 phút.
Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như oresol, đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc. Khi uống nước bổ sung khoáng cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bộ Y tế khuyến cáo "cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy". Nhiều người dân chưa hiểu vì sao cần che chắn vùng vai gáy khỏi ánh nắng trực tiếp. Về vấn đề này, dẫn tin từ VietNamNet, Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hoàng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM), cho biết vùng gáy được coi là trung tâm điều hòa thân nhiệt, giúp giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường.
Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt chiếu vào vùng đầu, gáy, trung tâm này sẽ bị tổn thương, làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, cơ thể sẽ không giữ được sự cân bằng đó.
Điều này dễ gây tình trạng cơ thể mất nước cấp, rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, biểu hiện nặng ngay từ đầu tổn thương thần kinh có thể hồi phục hoặc không hồi phục; thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Theo bác sĩ Hoàng, ánh nắng mặt trời và sức nóng là hai nguyên nhân vật lý gây ra say nắng, say nóng. Do đó, tai nạn có thể xuất hiện ở ngoài trời, trong hầm lò, nhà máy - xí nghiệp, trong nhà, toa xe, trên ô tô…