Bị sốt, đau người, 10 ngày sau test thì âm tính, liệu có bị Covid-19?
Một người dân ở TP HCM vừa trải qua một đợt bệnh tháng trước với biểu hiện sốt, lạnh người, đau họng, nhức đầu. Khi uống Panadol thì các triệu chứng thuyên giảm. Không có biểu hiện khó thở, tức ngực. Thời điểm đó, người này không liên hệ được với y tế phường. 10 ngày sau, nhờ bạn mua kit test nhanh tự xét nghiệm thì âm tính.
Do đó, người ngày có thắc mắc liệu mình có khả năng mắc Covid-19 hay không? Vì sắp bán hàng lại, nên liệu không biết có nên đi tiêm vắc xin hay không?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) trả lời vấn đề này trên Báo Người lao động như sau:
Cũng có khả năng người đó đã mắc Covid-19 bởi nhiều trường hợp sức đề kháng tốt, mau hết bệnh và đào thải virus cũng nhanh. Khi đó, kết quả xét nghiệm cũng nhanh chóng trở về âm tính. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ việc người bệnh mắc một bệnh khác mà không phải Covid-19. Do đó, khi không chắc được mình có từng mắc Covid-19 hay không thì vẫn nên đi tiêm ngừa, việc này không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Vắc xin giúp giảm nguy cơ lây bệnh, giảm nguy cơ bệnh nặng và ít lây cho người khác nếu chẳng may nhiễm bệnh.
Sau tiêm vắc-xin, khi thành F0 không thấy có biểu hiện gì lạ. Như vậy có phải kháng thể có yếu?
Một người khác đặt ra câu hỏi, sau tiêm vắc xin mũi một xong khoảng gần 1 tháng thì thành F0, lúc tiêm xong không bị "hành", lúc bị bệnh cũng không có triệu chứng gì có phải là biểu hiện của việc cơ thể không tạo được kháng thể hay không. Về vấn đề này, BS Khanh trả lời như sau:
Tiêm vắc xin Covid-19 xong cũng có người này người kia. Có người không có biểu hiện gì sau khi tiêm nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến kháng thể. Đã tiêm quá 14 ngày thì mắc bệnh nhẹ và không có triệu chứng là điều hết sức bình thường. Sức đề kháng mạnh thì mới vượt qua được bệnh nhẹ nhàng như thế. F0 đã khỏi bệnh thì kháng thể rất tốt nên không phải lo lắng gì.