Triệu chứng bệnh sỏi mật
Sỏi mật có kích thước từ nhỏ như một hạt cát đến lớn như một quả bóng golf. Một số người phát hiện chỉ có một sỏi mật, trong khi những người khác phát triển nhiều sỏi mật cùng một lúc. Bệnh sỏi mật có thể gây ra dấu hiệu hoặc không.
Nếu sỏi mật nằm trong ống mật chủ và gây tắc nghẽn, sẽ khiến người bệnh có những biểu hiện:
- Cơn đau đột ngột và tăng nhanh ở phần trên bên phải của bụng (hạ sườn phải), lan lên vai phải hoặc lan ra sau lưng.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Trong trường hợp bệnh không điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy đau âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải hoặc thượng vị lệch phải và lan lên ngực. Việc này khiến người bệnh rất dễ nhầm với bệnh dạ dày, gan.
Bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay nếu:
- Đau bụng dữ dội đến mức bạn không thể ngồi yên hoặc tìm tư thế thoải mái
- Vàng da, niêm mạc (mắt, lòng bàn tay, bàn chân…). Vàng da có thể nhẹ hoặc đậm tùy theo mức độ mật bị tắc nhiều hay ít.
- Sốt cao, có thể có rét run. Đôi khi chỉ có sốt nhẹ
Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi mật
Mật bao gồm một số thành phần chính như muối mật, bilirubin và cholesterol. Các nghiên cứu cho rằng sỏi mật được hình thành khi có sự mất cân bằng giữa các thành phần này:
Mật chứa quá nhiều cholesterol: Thông thường, mật của bạn chứa đủ hóa chất để hòa tan cholesterol được đào thải qua gan. Nhưng nếu gan bài tiết nhiều cholesterol hơn, lượng cholesterol dư thừa này có thể hình thành tinh thể và cuối cùng thành sỏi.
Mật chứa quá nhiều bilirubin: Bilirubin là một chất được tạo ra khi cơ thể bạn phá vỡ các tế bào hồng cầu hoặc gan tạo ra quá nhiều bilirubin như xơ gan. Lượng bilirubin dư thừa góp phần hình thành sỏi mật.
Túi mật của bạn không trống rỗng hoàn toàn: Việc này khiến mật trở nên rất cô đặc, góp phần vào việc hình thành sỏi mật.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi mật
Có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bệnh sỏi mật thường gặp như:
- Nữ giới
- Từ 40 tuổi trở lên
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ăn chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều cholesterol
- Ăn chế độ ăn ít chất xơ
- Có tiền sử gia đình bị sỏi mật
- Giảm cân rất nhanh
- Bị bệnh gan
- Dùng thuốc có chứa estrogen như thuốc tránh thai hoặc thuốc điều trị bằng hormone.
Biến chứng của bệnh sỏi mật
Sỏi mật có thể gây ra một số biến chứng, biến chứng đáng lo ngại nhất là viêm đường dẫn mật. Trong đó, viêm túi mật cấp hoặc vỡ túi mật do sỏi là nguy hiểm hơn cả. Bởi nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây viêm phúc mạc dẫn tới sốc nhiễm trùng và người bệnh có thể tử vong.
Phòng tránh bệnh sỏi mật như thế nào?
Bạn có thể phòng tránh bệnh sỏi mật bằng cách:
Không bỏ bữa: Cố gắng ăn vào đúng giờ thông thường của bạn mỗi ngày. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi mật.
Giảm cân từ từ: Việc giảm cân nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật. Do vậy, nếu bạn cần giảm cân, hãy giảm từ từ, khoảng 0,5 đến 1kg mỗi tuần.
Ăn uống hợp vệ sinh: Không ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi hoặc ăn những loại thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, nem chua. Đừng quên rửa sạch tay trước khi ăn.
Khi đã xác định mắc bệnh sỏi mật, người bệnh cần điều trị tích cực theo đơn thuốc của bác sĩ, không tự động bỏ thuốc hay thay thuốc, không được tự mua thuốc để điều trị và cần tái khám theo lời dặn của bác sĩ.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội