Chiếm 10% trong số bệnh ung thư
Theo ước tính của GLOBOCAN 2018, năm 2018 có 18,1 triệu ca ung thư mới và 9,6 triệu ca tử vong do ung thư. 5 loại ung thư hàng đầu thế giới 2018 bao gồm: Ung thư phổi (2.093.876 ca, chiếm 11,6%), ung thư vú (2.088.849 ca, chiếm 11.6%), ung thư đại trực tràng (1.800.977 ca, chiếm 10,2%), ung thư tuyến tiền liệt (1.276.106 ca, chiếm 7.1%) và ung thư dạ dày (1.033.701 ca, chiếm 5,2%).
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày cũng là một trong 3 bệnh ung thư phổ biến chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi. Số liệu thống kê của GLOBOCAN năm 2018 cho biết có 17.527 ca mắc mới ung thư dạ dày, chiếm 10,6% tổng số các bệnh ung thư mà người Việt mắc phải.
Tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày tử vong cũng tăng cao do người bệnh thường đến viện ở giai đoạn muộn. Tỷ lệ phát hiện ở giai đoạn muộn chiếm 70% và số bệnh nhân trẻ gia tăng hơn so với trước kia do dấu hiệu ung thư dạ dày mơ hồ người trẻ thường chủ quan nên đến viện ở giai đoạn bệnh đã muộn.
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nếu như trước đây một năm các bác sĩ mổ khoảng 200 ca ung thư dạ dày thì đến nay số lượng bệnh nhân lên đến hàng nghìn ca mỗi năm. Nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ dạ dày hoàn toàn vì bệnh ở giai đoạn nặng xâm lấn rộng rãi.
TS Võ Duy Long cho biết nguyên nhân của ung thư dạ dày hiện nay chưa được chỉ rõ nhưng các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này có rất nhiều. Lối sống ăn uống cũng là yếu tố tác động tới bệnh ung thư dạ dày. TS Long cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thói quen ăn mặn, ăn ít rau xanh và thường hay ăn các thực phẩm muối mặn, hun khói, nướng hay chiên rán có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn những người có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh.
Ngoài ra, hút thuốc lá hay thói quen lạm dụng bia rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Di truyền, nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày thì tỷ lệ con cháu mắc bệnh rất cao, những người mang nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Một yếu tố được xem là quan trọng gây ung thư dạ dày là sự có mặt của vi khuẩn HP gây ra viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày. Mối quan hệ giữa vi khuẩn HP và ung thư dạ dày là vi khuẩn HP tạo ra các vết loét, loạn sản niêm mạc và có thể gây ung thư. Dân số Việt Nam khoảng 70% mang vi khuẩn HP nhưng không phải ai mang vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày mà tùy từng chủng vi khuẩn có độc lực khác nhau.
TS Long cho biết người mắc viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP tăng nguy cơ ung thư hơn người không mang vi khuẩn này gấp 5,6 lần.
Dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày sớm
TS Long cho biết dấu hiệu ung thư dạ dày thường mơ hồ. Những người có cơ hội phát hiện sớm bệnh thường qua các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện có viêm loét dạ dày và sinh thiết có tế bào ác tính. Còn lại, khi bệnh nhân đến viện với dấu hiệu nôn ói, đi ngoài phân đen thì bệnh đã ở giai đoạn 3, giai đoạn 4.
Triệu chứng điển hình của ung thư dạ dày thường bao gồm:
- Người bệnh thường xuyên cảm thấy chán ăn, đầy bụng, khó tiêu
- Mệt mỏi, sụt cân nghiêm trọng
- Sốt dai dẳng kéo dài mà không tìm ra nguyên nhân
- Đại tiện ra phân đen, khi bệnh đã vào giai đoạn muộn thì người bệnh có thể trực tiếp sờ thấy khối u.
- Nôn ói ra thức ăn hoặc ra máu
Để phát hiện ra dấu hiệu ung thư dạ dày sớm, người bệnh chỉ cần nội soi dạ dày ống mềm, bác sĩ nhìn tổn thương có thể chẩn đoán được bao nhiêu phần trăm nguy cơ ung thư dạ dày. Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư dạ dày cũng tiến triển hơn đặc biệt là phẫu thuật nội soi dạ dày.
Việc phẫu thuật chiếm vị trí quan trong trong điều trị ung thư dạ dày và tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, các bác sĩ đang thực hiện nội soi cắt một phần dạ dày. Người bệnh ở giai đoạn 1, 2 không phải cắt hoàn toàn dạ dày, mang lại cơ hội hy vọng mới cho người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo đối với bệnh ung thư dạ dày, việc chẩn đoán bệnh sớm là điều hết sức quan trọng. Hơn nữa, do các dấu hiệu của bệnh không đặc trưng và dễ nhầm lẫn nên hàng ngày, bạn cần phải để ý cơ thể bạn mỗi ngày.