Ở tuổi 58, bà Nguyễn Thị Nụ (Nam Định) bị đột quỵ xuất huyết não nhưng do quá trình di chuyển đến bệnh viện cấp cứu khó khăn và không kịp thời, dẫn đến tổn thương rộng. Hậu quả là tình trạng mất ý thức, liệt hoàn toàn cả 2 bên người. Mặc dù bệnh nhân sống sót nhưng khả năng phục hồi rất chậm. Bác sĩ cho biết, tình trạng này có thể kéo dài nhiều tháng đến hàng năm.
"Lúc đưa được mẹ tôi vào tới bệnh viện thì bà đã hôn mê, bác sĩ nói mẹ tôi bị vỡ mạch máu 2 lần, gia đình nên chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Bác sĩ cho biết mẹ tôi chỉ còn 5-10% cơ hội được cứu sống. Chúng tôi đếm từng ngày chờ đợi, cuối cùng mẹ tôi cũng may mắn qua được cơn nguy kịch", chị Nguyễn Thị Loan, con gái của bệnh nhân Nguyễn Thị Nụ kể.
Do bị tai biến nặng nên thời gian điều trị của bà Nụ được phỏng đoán sẽ phải tính theo năm. Căn bệnh không chỉ làm bệnh nhân mất đi ý thức, khó vận động và còn luôn trong tình trạng trở nặng. Con gái bà Nụ cho hay, việc chăm người bệnh đột quỵ rất vất vả bởi người bệnh lơ mơ, mất ý thức nên cần ăn uống qua đường xông dạ dày để tránh sặc; việc vệ sinh diễn ra tại giường. Do phải mở nội khi quản để hỗ trợ hô hấp khi bệnh nhân chưa có khả năng tự hô hấp nên mọi sinh hoạt đều phải do người chăm sóc bệnh nhân hỗ trợ hoàn toàn.
Là người chăm sóc mẹ, chị Loan thường phải lau rửa mặt mũi, răng miệng, cơ thể và thay bỉm hàng ngày cho mẹ vì người bệnh nằm lâu nên nguy cơ nhiễm khuẩn cao, gây khó khăn cho quá trình phục hồi. Sau khi ra khỏi khoa hồi sức tích cực, chị Loan được nhân viên y tế hướng một số kỹ năng thể cùng với các điều dưỡng, kỹ thuật viên hàng ngày lăn trở cho bệnh nhân. Việc lăn trở diễn ra đều đặn khoảng 2 tiếng một lần, tránh tình trạng nằm bất động lâu ở một tư thế nhiều gây lở loét, hoặc ứ đọng đờm dãi tăng nguy cơ viêm phổi. Ngoài ra, mỗi ngày, ngoài thời gian được các kỹ thuật viên tập luyện vận động, cho đứng bàn nghiêng, vỗ rung...
Về chế độ ăn uống, theo chỉ định của bác sĩ điều trị, cứ 2-3 tiếng thì chị Loan cho bệnh nhân ăn một lần, chia nhỏ thành 6-8 lần trong ngày, mỗi lần một chút để đảm bảo nuôi dưỡng và cung cấp nước đủ. Việc tập luyện phục hồi chức năng theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa chỉ định, kỹ thuật viên sẽ thực hiện 2 lần/ngày, tùy theo mức độ và dựa vào sự đáp ứng cũng như quan sát cụ thể tình trạng bệnh nhân.
Sau hơn một tháng từ khi được cấp cứu tại các cơ sở y tế và chuyển về điều trị tại bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, dù qua cơn nguy hiểm nhưng bà Nụ vẫn chưa lấy lại được ý thức, vẫn đang cố gắng từng ngày để vượt qua bạo bệnh. Chị Loan hy vọng, mỗi tuần, mẹ chị sẽ có một chút tiến triển. Với sự tận tình tập luyện của các bác sĩ, mẹ chị sẽ khỏe mạnh trở lại, có thể ngồi dậy được và nhận biết mọi người. Và ước mơ xa hơn nữa, là một ngày không xa, mẹ chị có thể đi lại được.
Thông tin về trường hợp đột quỵ của bà Nụ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2 - Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Lão khoa, là bác sĩ trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân ngay từ ngày đầu nhập viện cho biết: Đây là một trong những bệnh nhân khá nặng với tổn thương xuất huyết não diện rộng và di chứng nặng nề. Tuy nhiên, bệnh nhân có tuổi chưa quá cao, thể trạng tốt, lại được chuyển về điều trị phục hồi chức năng kịp thời nên hy vọng, khả năng hồi phục cao nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tránh tái phát đột quỵ, các nhiễm khuẩn hay gặp ở người bệnh do nằm lâu như viêm phổi, loét các điểm tỳ đè, nhiễm khuẩn đường sinh dục tiết niệu, suy dinh dưỡng…
Việc điều trị theo phác đồ phục hồi chức năng với đứng bàn nghiêng, tập các bài vận động có trợ giúp ở bệnh nhân cơ lực bậc 0, tích cực vỗ rung dẫn lưu tư thế, giải phóng ứ đọng đờm dãi, lăn trở thường xuyên, đảm bảo nuôi dưỡng tốt, vệ sinh... Việc áp dụng các bài tập kích thích tri giác nhận thức cũng giúp cho người bệnh được phục hồi chức năng một cách toàn diện. Đồng thời, liệu pháp oxy cao áp cũng có thể được phối hợp điều trị cho bệnh nhân nhằm cung cấp oxy cho não. Cùng với thuốc tăng cường dinh dưỡng não thì oxy cũng giúp cho việc hồi phục các tế bào não.
Bên cạnh đó, các bác sĩ phải giải thích rõ với gia đình bệnh nhân về tình trạng bệnh, đưa ra các mức tiên lượng cũng như động viên gia đình kiên trì phối hợp tốt với thày thuốc trong quá trình dài điều trị phục hồi chức năng. Có như vậy, người bệnh mới có thể đạt được kết quả khả quan nhất.