Rất nhiều người có thói quen ăn thức ăn thật nóng, vì cho rằng ăn khi nóng, thực phẩm mới giữ nguyên vẹn các vitamin và khoáng chất, ăn nóng sẽ kích thích sự ngon miệng.
Thích ăn thức ăn nóng vì ngon miệng
Chị Khải Anh (TP.HCM) cũng có niềm tin tương tự, chính vì thế, trong nhiều năm qua chị luôn cố gắng ăn canh khi vừa mới nấu xong để giữ nguyên vẹn vitamin trong rau. Chị cũng là tín đồ của nhiều thức ăn nóng hoặc cay khác như lẩu, bún phở nóng hoặc mì cay... bởi các món ăn này kích thích vị giác, giúp chị ăn ngon miệng hơn.
Thực tế, không riêng chị Khải Anh, trên Youtube, các video mukbang (video ăn uống trước camera) về ăn uống đang được giới trẻ yêu thích, đa phần đều được các Youtuber ăn uống với thức ăn cay hoặc thức ăn nóng, vừa được nấu chín, hoặc vừa nấu vừa ăn trực tiếp.
Không thể phủ nhận, cùng với thức ăn cay, ăn thức ăn khi đang nóng sẽ tăng kích thích vị giác, hương vị món ăn.
Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, những thói quen này lại đang gây hại cơ thể như gây ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột và các bộ phận khác trong cơ thể. Điều này tương tự với khi ăn đồ ăn quá lạnh hoặc quá cay.
Ăn thức ăn quá nóng gây hại cơ thể
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, hiện đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc dùng đồ ăn quá nóng và căn bệnh ung thư vùng miệng, ung thư đường ruột là có sự liên quan tới nhau.
Đó chính là bởi vì vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ. Vượt qua ngưỡng nhiệt độ này thì vách ngăn này sẽ bị tổn thương. Khi nhiệt độ của thức ăn lên tới khoảng 70 đến 80 độ, đặc biệt là khi chúng ta uống trà, nhiệt độ này có thể lên tới mức 90 độ C sẽ gây tổn thương nặng nề cho đường ruột.
Nếu bạn thường xuyên uống canh nóng thì hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột sẽ ngày càng bị tổn thương nặng nề.
Bên cạnh đó thức ăn quá nóng cũng làm tổn thương tế bào vị giác trên lưỡi, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến thần kinh vị giác, suy giảm khả năng vị giác từ đó dẫn tới chán ăn. Chưa kể, ăn đồ ăn quá nóng, hoặc uống nước quá nóng còn làm ảnh hưởng tới chất lượng men răng.
Do đó, Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, người dân chỉ nên sử dụng thức ăn và đồ uống ở mức độ nóng vừa phải, như thế các chất dinh dưỡng vẫn đảm bảo mà lại không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.
Thức ăn có nhiệt độ phù hợp chính là không quá nóng hoặc không quá lạnh. Đồng thời, khi uống nước, chúng ta cũng cần phải chú ý tới nhiệt độ của nước. Độ ấm của nước trong khoảng từ 18 độ C đến 45 độ C là phù hợp.