Hầu hết trẻ đều sợ kim tiêm, nhiều cha mẹ xót con nên không thể kìm lòng khi chứng kiến bé con chịu phản ứng sau tiêm chủng, do đó không ít cha mẹ trì hoãn việc cho con đi tiêm phòng theo lịch chỉ vì sợ con bị đau.
Sau khi tiêm phòng, trẻ xuất hiện triệu chứng như cáu gắt, sốt, chỗ tiêm tấy đỏ và sưng là hoàn toàn bình thường. Sưng ở vết tiêm là phản ứng mà hầu hết các mũi tiêm đều gặp phải. Sau đó, tùy vào cơ địa của từng trẻ mà có bị sốt hay không. Việc vết tiêm sưng chỉ là một hiện tượng hết sức bình thường ở trẻ và sẽ tự biến mất trong khoảng 6 – 8 tiếng nên mẹ không cần quá lo lắng.
Trong trường hợp sau, khi trẻ được tiêm mà có các dấu hiệu bất thường như sốt cao trên 39 độ, co giật, cơ thể tím tái, khó thở, chỗ tiêm sưng tấy, mưng mủ, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hạ… thì bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.
Cách giảm đau hữu ích cho con
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), sau khi tiêm phòng, trẻ có thể xuất hiện tình trạng chán ăn, buồn ngủ. Trong tình huống như vậy, cha mẹ nên để trẻ được nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh, giữ nhiệt độ trong phòng ngủ của con luôn thoáng mát, dễ chịu, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi thoải mái.
Nghiên cứu từ các bác sĩ Nhi khoa cũng đã chứng minh sữa mẹ có tác dụng giảm đau hiệu quả, nếu mẹ nuôi con bằng sữa thì đừng ngần ngại cho bé bú tại nơi tiêm phòng. Mẹ có thể cho bé bú trước, trong và sau khi tiêm để làm xao nhãng con trước các tác động bên ngoài; nếu bé bú bình, mẹ có thể cho bé ngậm vú giả đã nhúng nước đường để làm dịu cơn đau của bé.
Một cách hiệu quả khác để giảm đau cho trẻ sơ sinh sau khi chích là dùng khăn sạch, được làm mát rồi chườm ở vùng bị đau, điều này sẽ giúp giảm đau nhức xung quanh vị trí tiêm cho trẻ hiệu quả. Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không nên đắp bất cứ loại thuốc bôi hay loại lá gì theo kinh nghiệm dân gian lên vết tiêm của trẻ, vì những trẻ có làn da nhạy cảm, dễ dị ứng sẽ gây nhiễm trùng, thậm chí là viêm da.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho con một món quà mới hoặc một món đồ chơi sẽ thu hút sự chú ý của trẻ, kéo xa con ra khỏi cơn đau.
Bố mẹ có thể tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng để loại bỏ các loai vi khuẩn trên cơ thể bé nhưng lưu ý đừng tác động quá mạnh vào vết tiêm. Hạn chế cho bé ra ngoài vào thời gian này để tránh bụi bẩn tiếp xúc vào vết tiêm gây nhiễm trùng.
Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sơ sinh có thể khóc một chút sau khi được tiêm ngừa, nhưng chỉ với một cái ôm từ cha mẹ cũng sẽ giúp con bình tĩnh trở lại. Bạn nên ôm bé ở tư thế đứng, giữ bé dịu dàng trước, trong và sau tiêm, cách này giúp bé cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn.