Sáng 19/1, tại hội thảo về "Dinh dưỡng miễn dịch của trẻ" do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) - cho biết, khi chào đời, trẻ sơ sinh được mẹ truyền một số kháng thể miễn dịch. Tuy nhiên, những tháng sau đó thì miễn dịch của trẻ giảm xuống rất nhanh.
Cụ thể, khi mới sinh ra, lượng miễn dịch tại cuống rốn của trẻ có thể cao hơn của người mẹ 15%. Nhưng khi trẻ được 3 tháng – 6 tháng tuổi, lượng miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm xuống chỉ còn 30% – 40%.
“Cho tới 3 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ mới có thể hoàn thiện như người lớn. Vì vậy, các chuyên gia gọi thời gian từ 6 tháng – 3 tuổi là “khoảng trống miễn dịch”, trẻ rất khó chống đỡ với các vi khuẩn, virus”, ông Điển nói.
Cũng chính vì lý do này, PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo, các bà mẹ cũng như người xung quanh không nên bày tỏ tình cảm một cách “thái quá” với trẻ trong khoảng thời gian này.
“Thời điểm trẻ tròn 1 tuổi, ông bà ta thường gọi là “thôi nôi” – có nghĩa là thời điểm này mới đưa con ra khỏi phòng. Đây chính là cách tránh để con tiếp xúc với các môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ, đặc biệt những đám đông như: đám cưới, đám giỗ”.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi người đều mang một lượng virus rất lớn mà hầu hết không có biểu hiện ra bên ngoài - còn gọi là người lành mang bệnh.
Do đó, việc quan tâm, yêu mến trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi như: ôm chặt, hôn hít hay ngay cả tiếp xúc trong khoảng cách gần (0,5 mét) có thể làm trẻ vô tình mắc các loại virus như: cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp…
Hiện nay, trẻ con còn đối diện với nhiều nguy cơ như môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.
Vì thế, trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” thì việc cung cấp những giọt sữa đầu tiên của mẹ rất quan trọng cho con. Các chuyên gia đã nghiên cứu, trong thành phần sữa non của mẹ có cả tế bào gốc.