Tiêu chảy cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Biến chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy chính là tình trạng mất nước, mất điện giải.
Chính vì vậy khi trẻ bị tiêu chảy cấp, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và xác định tình trạng mất nước của trẻ. Nếu trẻ được xác định là không mất nước, bác sỹ có thể cho trẻ về điều trị tại nhà.
Dưới đây là 4 nguyên tắc cha mẹ cần nhớ khi điều trị tiêu chảy cấp tại nhà
Nguyên tắc 1: Cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để phòng mất nước
Loại dịch
Cha mẹ nên cho trẻ uống: Oresol, súp rau củ, súp gà, súp thịt, nước dừa, nước sạch, nước hoa quả tươi không đường. Cha mẹ không nên cho trẻ dùng nước ngọt có đường, nước trái cây công nghiệp.
Lượng dịch cần uống
Nguyên tắc chung là cho trẻ uống theo nhu cầu, cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy.
Trẻ dưới 2 tuổi: Uống 50 – 100ml sau mỗi lần đi ngoài
Trẻ từ 2 – 10 tuổi: Uống 100 – 200ml sau mỗi lần đi ngoài
Trẻ lớn: Uống theo nhu cầu
Nguyên tắc 2: Tiếp tục cho trẻ ăn để đề phòng suy dinh dưỡng
Khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ hồi phục nhanh chóng, cải thiện chức năng đường ruột. Không được hạn chế trẻ ăn và không nên pha loãng thức ăn.
Các loại thức ăn nên ăn
Sữa: Trẻ ở bất kỳ tuổi nào nếu đang bú mẹ thì khuyến khích tiếp tục bú mẹ nhiều lần hơn, lâu hơn nếu trẻ muốn. Trẻ không được bú mẹ nên cho trẻ ăn sữa trẻ thường dùng, mỗi lần cách nhau 3 tiếng.
Các loại thức ăn khác: Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ hoàn toàn và ăn thêm các loại thức ăn khác cần cho các loại ngũ cốc, rau củ, các loại thức ăn khác và cho thêm sữa.
Cha mẹ lưu ý:
- Thực phẩm nên được chế biến và nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa.
- Nên trộn sữa với ngũ cốc.
- Cho thêm 5 – 10ml dầu thực vật vào mỗi bữa ăn.
- Nên khuyến khích cho ăn thịt, cá và trứng.
- Thực phẩm giàu kali như chuối, nước dừa và nước hoa quả tươi rất hữu ích.
Những loại thức ăn nên tránh
Không nên cho trẻ ăn những rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc có nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa.
Nước cháo loãng chỉ có tác dụng bù nước, khiến trẻ no nhưng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Không nên ăn những thức ăn chứa quá nhiều đường.
Lượng thức ăn
Khuyến khích trẻ ăn nhiều như trẻ muốn, cách nhau 3 đến 4 tiếng một bữa ( 6 bữa/ngày). Đồng thời nên cho trẻ ăn với những lượng nhỏ.
Nguyên tắc 3: Cho trẻ bổ sung thêm kẽm
Cho trẻ uống càng sớm càng tốt ngay sau khi tiêu chảy bắt đầu. Bởi kẽm làm rút ngắn thời gian và mức độ trầm trọng của tiêu chảy.
Trẻ từ 1 đến dưới 6 tháng tuổi : 10mg/ngày trong vòng 10 – 14 ngày
Trẻ trên 6 tháng tuổi: 20 mg/ngày trong khoảng 10 - 14 ngày
Nên cho trẻ uống kẽm lúc đói
Nguyên tắc 4: Đưa trẻ đến khám ngay khi trẻ có những dấu hiệu sau
- Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng, đi liên tục
- Nôn tái diễn
- Trở nên rất khát
- Ăn uống kém hoặc bỏ bú
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị
- Sốt cao hơn
- Có máu trong phân.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội