Bà bầu có nên ăn na không?
Quả na có giá trị dinh dưỡng cao, trong thịt quả na có chứa 82,5% nước, 1,6% protein, 16,2% carbohydrate, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin K, các alcaloid nhóm oxoaporphin, calci, sắt, đồng, phospho, kali, natri… 100g thịt quả cung cấp cho cơ thể khoảng 70 - 80kcal. Vì vậy những lợi ích dưới đây sẽ giải đáp cho câu hỏi "Bà bầu có nên ăn na không?" của mọi người.
- Làm giảm các triệu chứng ốm nghén: Trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu thường bị ốm nghén (buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó chịu, không ăn uống được…), na có tác dụng làm giảm các triệu chứng này. Do thời kỳ ốm nghén, kém ăn, dễ bị đói, khi đói các triệu chứng khó chịu càng nặng hơn, vì vậy các mẹ bầu nên ăn nhiều bữa nhỏ, và na là sự lựa chọn để ăn vào bữa phụ.
- Điều chỉnh tâm lý cho bà bầu: Khi mang thai, phụ nữ có sự thay đổi về hormon, sự khó chịu của ốm nghén, sự nặng nề của bản thân có thể dẫn đến những thay đổi tâm lý của chị em. Sự cáu bẳn, dễ xúc động, khó tính hơn ở phụ nữ trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nguồn vitamin B6 trong na tham gia vào quá trình tổng hợp GABA (chất giúp giảm căng thẳng, stress).
- Bà bầu ăn quả na thường xuyên có thể cải thiện hệ thống miễn dịch, hệ thần kinh và có lợi cho sự phát triển não bộ của thai nhi.
- Bà bầu ăn quả na sẽ cung cấp được một lượng đồng dồi dào. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên sử dụng khoảng 1000 micro gam đồng mỗi ngày. Thiếu đồng có thể làm tăng nguy cơ sinh non.
- Nếu bị thiếu cân, bà bầu ăn quả na thường xuyên cũng sẽ cải thiện được cân nặng hợp lý.
Lưu ý khi bà bầu ăn na
Tuy nhiên, bà bầu cần lưu ý một điều là hạt na có độc, phụ nữ mang thai nói riêng và tất cả mọi người nói chung không được uống. Nếu trong lúc ăn, sơ ý nuốt phải hạt thì không sao, vì lớp vỏ dày và cứng của hạt nó sẽ ngăn không cho nhân hạt có tác dụng.
Ngoài ra, quả na có tính nóng, chính vì vậy bà bầu không nên ăn quá nhiều na trong một ngày để bảo vệ thai nhi.