Vì sao người Việt hay chọn gà trống để thắp hương?

Việt Nam ảnh hưởng của nền tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo nên trọng nam hơn nữ. Do đó những lễ vật dâng lên gia tiên thần linh cũng mang hơi hướng đề cao tính nam. Hơn nữa khi chọn gà cúng trong một số dịp sẽ chọn gà trống tơ chưa đạp mái. Gà mái thường đến tuổi thịt được thì đã có trứng mây.

Hơn nữa gà trống mang biểu trưng bằng tiếng gáy để kết nối giữa thần linh và con người. Gà trống đánh thức mặt trời, mang ánh sáng. Thế nên trong những dịp quan trọng như năm mới, ngày Tết, ông Công ông Táo, khai trương... thì thường chọn gà trống. Cúng gà trống mong kết nối sâu với thần linh, mong mưa thuận gió hòa.

Gà trống biểu trưng cho sức mạnh, sức sống mãnh liệt và tượng trưng cho nam giới với đủ 5 đức tính

- Chữ Văn: Gà trống có mào ở trên đầu và 2 yếm thịt ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn chuồn của ông tiến sĩ.

- Chữ Võ: Gà trống có cựa thể hiện cho vũ khí, biểu trưng cho Võ

- Chữ Dũng: Gà trống sẽ luôn sẵn sàng “chọi” nhau để bảo vệ cho đàn của mình, sẵn sàng chí tử.

- Chữ Nhân: Gà trống thường sẽ gọi đàn của mình khi được cho ăn thóc

- Chữ Tín: Gà trống luôn gáy đúng giờ dù mưa nắng hay gió rét.

Ngoài ra, gà trống được ưu tiên trong mâm lễ cúng hơn là gà mái cũng nhờ yếu tố thẩm mỹ. Người Việt coi trọng lễ cúng và thường sắp lễ "mâm cao cỗ đầy". Kích thước gà trống thường lớn hơn gà mái, khi đặt lên mâm lễ kèm bông hoa hồng đỏ cũng góp phần tăng tính thẩm mỹ hơn.

Không phải gà trống nào cũng được chọn để dâng cúng. Người xưa thường chọn gà trống choai, không bị dị tật, có tiếng gáy dõng dạc nhưng chưa hề đạp mái, không chỉ biểu hiện cho sự khỏe mạnh mà còn là sự tinh khiết.

Theo một số người có quan niệm giảm sát sinh thì gà mái chọn cúng có nguy cơ chọn phải gà đã có trứng (bởi nhà chưa có trứng sẽ rất bé và tanh nên ít khi làm thịt) thì sẽ tăng nguy cơ sát sinh hơn gà trống.

Chính vì những yếu tố trên thế nên gà trống thường được chọn để cúng tổ tiên thần linh thay vì gà mái.

Chọn gà mái cúng thì sao?

Theo quan niệm dân gian và phong thủy thì những dịp quan trọng như cúng Giao thừa, năm mới, cúng ông Công, ông Táo, cũng khai trương cửa hàng, cưới hỏi... thì chỉ được chọn gà trống, đặc biệt phải là gà trống tơ, trống thiến không đạp mái để thể hiện sạch sẽ mang lại linh nghiệm tài lộc.

Hơn nữa dịp này cần tiếng gáy của gà trống để đánh thức năng lượng mới, kết nối với thần linh mang lại tài lộc. Đặc biệt đêm giao thừa mà cúng gà mái thì không được hợp phong thủy vì sẽ không có thần gà đánh thức mặt trời vào buổi sáng, thì sẽ không mang tới năm mới thuận lợi sáng sủa.

Dịp nào ưu tiên gà mái?

Còn với tuần rằm thì việc cúng gà mái cũng không phạm đại kỵ gì như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên khi cúng gà mái thì thường chặt đĩa thay vì đặt cả con dáng chầu như gà trống. Nhưng gà mái cúng là gái mái tơ, để thể hiện may mắn bình an.

Trong các dịp đặc biệt thì gà mái sẽ ưu tiên được chọn là dịp cúng cầu nguyện con cái, dịp cúng thông thường trong gia đình, dịp cúng vong linh cô hồn, cúng gia tiên... Trong trường hợp này gà mái biểu trưng cho sự sinh sôi tốt cho việc cầu nguyện. Còn với mâm cúng mang ý nghĩa dâng món ăn thì cúng gà mái là bình thường với lại gà mái ăn ngon thịt thơm.

Theo TS Nguyễn Ngọc Mai-Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc chọn gà trống để sắp lễ cúng là phong tục, tín ngưỡng và niềm tin văn hóa mà không hề là quy tắc nào.

Do đó, chúng ta không nên quá đặt nặng tư tưởng về mâm cúng cầu kỳ, cũng không nên lo lắng hay bi quan khi chọn nhầm gà mái.

Trên tất cả, đó là phong tục cần phải lưu truyền, thể hiện thành ý nhớ về tổ tiên, nhớ về cội nguồn, mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình nhân dịp năm mới.