Một kết quả nghiên cứu mới về giấc ngủ vừa được công bố trên Tạp chí Sleep Medicine dựa trên sự xem xét 771 người trong độ tuổi từ 50-64 và thuộc nhiều nhóm thói quen sinh hoạt khác nhau.

Người có thói quen thức khuya, bị thiếu ngủ có thể đánh mất cảm xúc tích cực trong cuộc sống và dễ mắc các bệnh tim mạch - Nguồn ảnh: Shutterstock

Một số người thích ngủ sớm và dậy sớm vào buổi sáng (nhóm chim sâu), những người khác thích thức khuya và dậy trễ (nhóm cú đêm), phần còn lại có thể mang đặc điểm của cả 2 nhóm trên. Khoảng 17% số người tham gia nói rằng họ là những con cú đêm thực thụ. Sau quá trình thu thập và xử lý dữ liệu, nghiên cứu nhận thấy chứng xơ cứng động mạch xuất hiện ở khoảng 22% thành viên nhóm “chim sâu”, và đến 41% ở nhóm “cú đêm”.

Điều này nghĩa là những người thức đêm - dậy trễ có nguy cơ bị xơ cứng động mạch cao hơn 90% so với những người ngủ sớm - dậy sớm. Những người thức đêm, ngủ ngày có thể bị tác động xấu đến đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể. Sự sai lệch này liên quan đến bệnh huyết áp cao và chứng viêm, từ đó làm hỏng mạch máu và khiến chúng cứng lại.

Các chất béo tích tụ gây ra xơ cứng động mạch sau đó có thể vỡ ra, dẫn đến cục máu đông - yếu tố nguy cơ trong những trường hợp đau tim và đột quỵ. Hơn nữa, những người thức đêm cũng có xu hướng sống không lành mạnh hơn, ăn uống kém dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ cứng động mạch.

Trong một đánh giá khoa học khác đăng trên Tạp chí Psychoological Bulletin, nhóm tác giả lưu ý việc thức quá khuya có thể khiến mọi người cảm thấy kém nhiệt huyết với cuộc sống vào ngày hôm sau. Các tác giả từ nhiều trường đại học tại Mỹ đã xem xét 154 nghiên cứu kéo dài hơn 50 năm, bao gồm hơn 5.000 người tham gia từ 7-79 tuổi.

Kết quả cho thấy tình trạng thiếu ngủ làm giảm đáng kể những cảm xúc tích cực, như sự nhiệt tình và hạnh phúc. Cảm xúc tích cực của mọi người dường như bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu họ ngủ ít hơn 4 giờ so với bình thường.

Nhóm nghiên cứu cũng xem xét tác động của việc ngủ ít hơn bình thường và tình trạng tỉnh giấc suốt đêm. May mắn cho các bậc cha mẹ có con nhỏ, việc tỉnh giấc thường xuyên không liên quan đáng kể đến sự gia tăng những cảm xúc tiêu cực.

Nhìn chung, việc ngủ đủ giấc từ 7-8 giờ mỗi đêm có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề về tim mạch, thông qua việc giảm tác dụng của hoóc môn căng thẳng và giữ cho mạch máu không bị viêm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ngủ đủ giấc mỗi ngày. Vậy bạn nên làm gì để giảm bớt tác động xấu mà thiếu ngủ mang lại.

Câu trả lời là “ngủ bù” vào cuối tuần. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Nam Kinh (Trung Quốc) đã theo dõi chu kỳ giấc ngủ của 3.400 người và phát hiện ra rằng, những người bị thiếu ngủ trong tuần nhưng được ngủ thêm 2 giờ vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật có nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ thấp hơn 63% so với những người không được ngủ bù. Ngược lại, những công nhân ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm trong tuần và không ngủ bù vào cuối tuần có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn nhiều.