Rau mầm

Sinh sống ở ngoại ô thành phố Tokyo (Nhật Bản), tôi thường trồng rau mầm tại nhà để bổ sung chất xơ trong mỗi bữa ăn.

Với rau mầm, tôi chủ yếu ăn cùng salad hay bánh mì kẹp. Loại rau này có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không nên ăn quá nhiều, có thể gây ra những bất lợi cho sức khỏe.

Bạn nên sử dụng khoảng 100 g rau mầm/ngày (đối với trẻ nhỏ là 25 g/ngày) để đảm bảo an toàn cho đường tiêu hóa.


1. Dụng vụ cần có

  • Khay/rổ đựng/hộp sữa giấy...
  • Khăn vải/miếng cotton hoặc giấy bếp sạch. Tôi tận dụng miếng bông tẩy trang.
  • Với hạt giống, tôi thường mua loại có chứng nhận BIO như củ cải, bông cải xanh, cải ngọt, rau muống, rau chân vịt, các loại đậu... Rau mầm tùy từng giống sẽ có vị đặc trưng. Nếu không thích vị hăng, bạn không nên lựa chọn các giống rau mầm họ cải.


2. Cách làm

Bước 1: Với các loại hạt to như hướng dương, rau muống..., bạn cần ngâm trong nước ấm khoảng 40 độ C cho đến khi nảy mầm. Các loại hạt giống rau mầm nhỏ không cần ngâm.

Bước 2: Trải giấy bếp hoặc miếng cotton kín khay với độ dày khoảng 3 cm, đủ ngậm nước cho lá. Sau đó làm ẩm miếng cotton và rắc hạt lên trên, đặt khay ở nơi thoáng mát, ánh sáng nhẹ.

Bước 3: Khi mầm đã nhú, duy trì tưới 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối. Bạn sử dụng bình phun sương tưới nhẹ. Sau khoảng 2 ngày, rau mầm phát triển cao, chỉ cần tưới một lần vào buổi sáng. Ngừng tưới 1 ngày trước thời gian thu hoạch để rau không bị úng nước.

3. Lưu ý

Tùy từng loại hạt giống, thời gian thu hoạch sẽ khác nhau, chủ yếu khoảng 4-7 ngày. Với rau mầm loại nhỏ, thu hoạch một lần cả rễ trong thời gian ngắn.

Một số loại hạt to như rau mầm đậu Hà Lan, đậu gà, đậu xanh... có thể thu hoạch thêm 2-3 lần cho đến khi hạt nhỏ dần. Đối với loại này, bạn cần cắt cách gốc khoảng 2 cm để rau tiếp tục phát triển.

Để bảo quản rau luôn tươi sau khi thu hoạch, bạn cần làm khô, đặt vào trong hộp kín có lót lớp khăn vải phía dưới và một lớp giấy bếp lên trên. Đặt trong hộp 1-2 nhánh hương thảo và đóng kín.