Trẻ học thêm quá nhiều đến mức thiếu ngủ, lên lớp lại gà gật. Ảnh: Freepik.

Câu chuyện dạy thêm, học thêm vẫn luôn là đề tài được thảo luận liên tục trên các diễn đàn và trang mạng xã hội. Thời gian gần đây, chủ đề này lại nóng vì hàng loạt phụ huynh chia sẻ câu chuyện con mình đi học thêm liên tục, số tiền họ đổ cho việc học ngoài trường của con cũng lên đến cả chục triệu đồng mỗi tháng.

Đối với các chuyên gia giáo dục, việc học thêm, dạy thêm không mới và không xấu đến mức phải cấm cản. Nhưng để việc này vận hành đúng quy định và không gây ảnh hưởng đến trẻ, phụ huynh và giáo viên cần phải lưu ý nhiều điều.

Dạy thêm, học thêm có nhiều vấn đề

Chia sẻ về vấn đề này, cô L.N., giáo viên ở Hà Nội, nói rằng khi dạy học ở bậc tiểu học, không khó để cô chứng kiến cảnh học sinh vừa tan học ở trường đã được bố mẹ đón đi học thêm ở ngoài. Nhiều em phải tham gia hàng loạt lớp học thêm theo sắp xếp của gia đình.

Học sinh ở lớp cô N. chủ nhiệm chưa có trường hợp nào học thêm nhiều đến mức kiệt sức. Nhưng một lần, khi được bố trí dạy thay lớp khác, cô N. phát hiện một học sinh ngủ gật trong lớp. Đến khi hỏi chuyện học sinh, cô mới biết em này phải đi học thêm đến 21h30, sau đó về nhà làm bài tập đến khuya rồi mới được đi ngủ. Đó là lý do em thiếu ngủ đến mức tới lớp ngủ gà ngủ gật.

“Trẻ nhỏ học thêm không phải chuyện hiếm. Nhà nào cũng muốn cho con học thật giỏi để được vào trường chuyên, lớp chọn. Nếu không học chuyên, họ cũng muốn con học giỏi nhất lớp nên sẵn sàng đầu tư cho con học thêm ngoài trường”, cô N. nói.

Học thêm xuất phát từ nhu cầu của mỗi cá nhân, nhưng dễ bị biến tướng nếu không kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa: Depositphotos.

Nói thêm về việc giáo viên lợi dụng điểm số để ép học sinh học thêm, cô N. nói hiện tượng này có thật và từng xảy ra ở một trường cô công tác trước đây.

Một số giáo viên lợi dụng mong muốn đạt điểm cao của của học sinh và phụ huynh để mở lớp dạy thêm. Nhưng thay vì thông báo công khai, giáo viên này lại nói riêng với từng học sinh rằng nếu muốn đi học thêm, học sinh về nhà nói với bố mẹ liên lạc để cô xếp lớp.

“Chuyện này xảy ra lâu rồi, sau đó bị phanh phui và giáo viên này cũng phải hủy lớp dạy thêm vì sai quy định. Tôi nghĩ ngoài kia cũng không hiếm trường hợp tương tự, trẻ và phụ huynh phải cùng chạy đua học thêm để không bị giáo viên ‘ghim’”, cô N. chia sẻ.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nhận định việc dạy thêm, học thêm hiện nay có một số vấn đề chính.

Thứ nhất là tình trạng dạy thêm học thêm đang diễn ra tràn lan, phụ huynh bắt con học ngày, học đêm, học cả ngày lễ, ngày nghỉ. Ngay từ cấp 1, cấp 2, trẻ đã học thêm như “chạy marathon”. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển của các em học sinh mà trước mắt cha mẹ chưa thể nhìn thấy hết được tác hại đó.

Nhiều phụ huynh lý luận rằng muốn vào trường tốt, lớp chọn thì phải tìm thầy dạy tốt học thêm để có kiến thức, để con có được điểm cao.

“Như vậy là việc học thêm dạy thêm đang chạy theo điểm số, chạy theo thi cử, bằng cấp”, ông Lâm nói.

Thứ hai là về phía giáo viên.Một số giáo viên lợi dụng dùng điểm số, kiểm tra để "ép" học sinh đi học thêm, khiến các bậc phụ huynh phải “chạy” theo. Ở lớp học thêm, giáo viên cũng lại nhồi nhét kiến thức cho học sinh để đủ giờ, đủ buổi, đủ nội dung.

Theo ông Lâm, tất cả vấn đề trên đề là quan niệm sai về dạy thêm, học thêm. Hiểu đúng, dạy thêm, học thêm phải theo nhu cầu của người học, của học sinh, chứ không phải chạy theo nhu cầu của phụ huynh, giáo viên, chạy theo thi cử, điểm số.

Cần định hình lại khái niệm dạy thêm

Theo ông Lâm, để dạy thêm, học thêm được diễn ra thực chất, có chất lượng, cả phụ huynh và giáo viên phải định hình lại khái niệm.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới sự thay đổi triệt để phương pháp giáo dục, nhằm phát huy phẩm chất năng lực của học sinh. Bộ GD&ĐT hy vọng học sinh chủ động hơn trong quá trình lĩnh hội tri thức.

Ông Lâm cho rằng cả giáo viên và phụ huynh phải nhìn nhận thấu đáo về vấn đề này. Tất cả việc dạy thêm, học thêm của học sinh kể cả giỏi hay kém cũng chỉ có giai đoạn nhất định. Sau đó, các em phải có thời gian bồi đắp lại kiến thức. Tự học mới là điều quan trọng chứ không phải dạy thêm, học thêm từ ngày này qua ngày khác. Như thế làm học sinh ỉ lại, xói mòn đi tư duy độc lập, khả năng làm việc của cá nhân các em.

Các gia đình cần lưu ý nhiều điều trước khi "xuống tiền" cho con học thêm. Ảnh minh họa: Freepik.

Ông Lâm nhấn mạnh lại dạy thêm, học thêm phải theo nhu cầu của học sinh. Học những thứ các em thiếu, các em cần, để phát triển năng lực, chứ không phải cứ nhồi nhét nhiều kiến thức là yên tâm.

Giáo viên phải có trách nhiệm, có phương pháp dạy để không chỉ dạy kiến thức mà còn chỉ cho các em phương pháp học, ý chí quyết tâm học, và tạo ra cho học sinh niềm vui học tập. Đó mới là cái quan trọng chứ không phải lấy số buổi học, điểm số làm thước đo.

Phụ huynh cũng phải hiểu con mình mạnh - yếu chỗ nào để phát huy hoặc khắc phục, chứ không phải cứ đến giờ là đẩy con vào lớp học thêm rồi trả đủ tiền, học đủ buổi là yên tâm. Điều quan trọng, cả học sinh giỏi cũng như học sinh kém chỉ nên học thêm trong một thời gian nhất định, dạy phương pháp học là chính để các các em có đủ năng lực tự học.

“Phụ huynh nên nhớ học thêm chỉ là một phương tiện để giúp trẻ phát triển. Chương trình học và thi thay đổi, tư tưởng phụ huynh cũng phải thay đổi ”, ông Lâm nói.

Cô L.N. cũng đưa ra những đề xuất về việc dạy thêm, học thêm. Đầu tiên, cô giáo kỳ vọng các lớp dạy thêm sẽ không còn hiện tượng dạy trước sách giáo khoa. Đây là điều mà cô giáo cho là “tối kỵ”, vì nếu dạy trước kiến thức trong sách, trẻ dễ có tâm lý chủ quan, mất tập trung khi học ở trường.

Hơn nữa, cô giáo cũng lo rằng việc dạy trước kiến thức sách giáo khoa có thể gây ra hiện tượng “fomo” trong lớp học. Cô giáo lý giải khi một số học sinh trong lớp đã biết trước kiến thức, các học sinh khác sẽ bắt đầu hoang mang và tìm cách đi học thêm để được “biết trước” giống các bạn. Cô N. nói rằng điều này không hề tốt vì ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng, đồng thời tác động đến tâm lý của học sinh.

Thứ hai, cô N. kỳ vọng công tác dạy thêm, học thêm sẽ diễn ra nhờ sự đồng thuận giữa các bên, gồm giáo viên, học sinh và phụ huynh, chứ không phải bên này bắt ép bên kia đi học, hay bên này dùng đòn tâm lý để thôi thúc bên kia đi học.

Cô N. tin rằng khi việc học xuất phát từ sự tự nguyện, hứng thú, trẻ mới có thể học tốt và tiếp thu bài hiệu quả. Trái lại, nếu bị bắt ép, các em có thể cảm thấy chán ghét, thậm chí sợ việc học và sợ cả giáo viên.

Tin liên quan