“Mục đích của app thì hay, nhưng chúng tôi không sử dụng được nhiều. Sau một thời gian, tôi xóa app vì nặng máy, nhưng tiền thì vẫn phải đóng”.
Đây là điều mà chị T.N., phụ huynh ở Hà Nội, đề cập khi được hỏi về những ứng dụng mà nhà trường yêu cầu tải về.
“Đóng tiền chỉ để nuôi app vô dụng”
Có hai con đang học tiểu học và THCS tại Hà Nội, chị T.N. không tránh được việc phải tải loạt ứng dụng quản lý học sinh, đóng tiền học, làm bài tập… theo yêu cầu của nhà trường.
Trong số những app này, chỉ có sổ liên lạc điện tử là phải đóng phí, khoảng 15.000-30.000 đồng mỗi tháng, tùy trường. Tuy nhiên, nhân lên với hàng nghìn học sinh mỗi trường, chị N. cho rằng chi phí “nuôi app” không hề rẻ, lên tới vài chục triệu đồng. Trong khi đó, chị cho rằng “app này vô dụng”.
Theo chị, với app này, cả năm học, chị chỉ nhận được một vài thông báo về bảng điểm của con. Ứng dụng này cũng chỉ hoạt động một chiều, chị không liên lạc hay phản hồi được những thông báo đó dù là ứng dụng liên lạc.
Với một app khác dùng để thanh toán tiền học, chị nói rằng ứng dụng này cũng chỉ để xem nhà trường đã nhận được tiền học phí của trẻ chưa, bởi chị thường chuyển khoản thẳng từ số tài khoản cá nhân tới phòng tài vụ của trường. Trong app có mục danh bạ giáo viên, chị cũng không dùng được vì trường chưa cập nhật thông tin.
Cuối cùng, ngoại trừ ứng dụng làm bài tập online, các ứng dụng trường yêu cầu tải về, chị N. bỏ xó. Chị và nhiều phụ huynh khác vẫn trao đổi với giáo viên qua Zalo, điện thoại bởi hiệu quả và thuận tiện hơn nhiều, lại không mất phí.
Tương tự, chị Q.Tr., phụ huynh có con học THCS tại quận 7 (TP.HCM) cũng nói rằng những ứng dụng nhà trường yêu cầu tải về đều “vô nghĩa”, “không để làm gì”. Mỗi tháng, gia đình chị Tr. cần đóng 30.000 đồng cho ứng dụng sổ liên lạc điện tử, nhưng gần như chị không động đến và cũng không nắm rõ ứng dụng này có những tính năng gì.
Khi được hỏi vì sao đóng tiền nhưng lại không dùng app, chị Tr. nói chị bận rộn với công việc kinh doanh cả ngày, lại “mù” công nghệ nên không động đến. Nếu cần nắm thông tin về việc học của con, chị thường chọn cách gọi điện, nhắn tin trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm qua Zalo vì nhanh và dễ dùng hơn.
Trong khi đó, chị M.L., phụ huynh ở quận Bình Tân (TP.HCM) lại có trải nghiệm khá khác chị N. và chị Tr.. Chị L. có hai con đang học tiểu học, chung trường nên chị dùng ứng dụng eNetViet để theo dõi việc học của con.
Mỗi tháng, người mẹ đóng 12.000 đồng để sử dụng app này và được báo điểm, nhận thông tin về việc điểm danh của con. Giáo viên cũng đăng các hình ảnh, hoạt động của con trên ứng dụng này. Ngoài ra, các con của chị L. cũng có thể nộp bài tập về nhà trực tiếp lên app.
Cá nhân chị L. thấy việc đóng 12.000 đồng/tháng để sử dụng ứng dụng là khá rẻ vì chị nhận được nhiều tính năng. Ngoài trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, chị cũng có thể trao đổi với giáo viên bộ môn qua app, dù đôi khi việc trao đổi hơi “cồng kềnh” vì mẹ nhắn hỏi cô nộp video bài qua đâu, cô lại nói gửi qua Zalo.
“Tôi thấy cũng không đến nỗi nào, mức phí cũng không quá đắt nên tôi vẫn dùng và không có ý kiến gì quá căng thẳng”, chị L. chia sẻ.
Lo lộ, lọt thông tin
Trong khi đó, không mất phí khi dùng các ứng dụng trường học, nhưng chị H.T. (phụ huynh ở Hà Nội) lại lo lắng vấn đề bảo mật thông tin.
Có ba con đang học mầm non, tiểu học, THCS, chị T. cho biết phải cài tới 3 ứng dụng khác nhau theo yêu cầu của các trường để nộp học phí cho con. Thậm chí mỗi năm học, trường lại thay đổi ứng dụng khác nhau, số lượng app chị T. đã và đang dùng khá nhiều.
Chị chia sẻ mỗi lần cài đặt và tạo tài khoản trên các app, chị đều phải điền thông tin của bố mẹ và con, chưa kể còn phải liên kết với tài khoản ngân hàng.
Trên thực tế, nhiều app không có điều khoản cam kết về việc không để lộ thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh cho đơn vị khác. Điều này khiến chị T. lo lắng vì không đảm bảo an toàn, nhất là khi rất nhiều vụ việc lừa đảo xuất hiện.
Chị Q.Tr. cũng bày tỏ nỗi lo tương tự. Trường của con chị Tr. thường cấp mã QR cho phụ huynh để đóng học phí. Khi quét mã này, các thông tin cá nhân của con chị (tên, lớp, mã học sinh…) sẽ được hiển thị nên đôi lúc, chị cũng đặt câu hỏi liệu thông tin cá nhân của con có bị lộ hay không. Dù sợ, người mẹ vẫn phải đóng tiền qua mã này vì đó là yêu cầu bắt buộc của nhà trường.
Ngoài nỗi lo bảo mật thông tin, chị Tr. cũng cảm thấy việc đóng học phí qua app, hay qua mã QR đều khá bất tiện cho người cao tuổi hoặc những người không thành thạo công nghệ. Vì thế, người mẹ vẫn mong ngoài việc đóng học phí online, các trường vẫn nên linh động để phụ huynh được đóng học phí trực tiếp nếu có nhu cầu.
Cá nhân chị M.L. lại may mắn hơn vì nhà trường đưa ra 3 cách đóng học phí để phụ huynh lựa chọn. Chị nghĩ rằng các trường cũng nên áp dụng phương pháp này để phụ huynh được linh động hơn và giảm bớt nỗi lo về công nghệ hay bị lộ thông tin.
Cụ thể, cách đầu tiên là đóng học phí qua ứng dụng ngân hàng, phụ huynh sẽ quét mã QR do nhà trường cung cấp để đóng học phí cho con. Khi quét mã, cú pháp chuyển khoản sẽ tự động cập nhật, phụ huynh đều có tài khoản ngân hàng nên đều có thể đóng tiền dễ dàng.
Cách thứ hai là đóng học phí qua một app trung gian và mất thêm 2.000 đồng tiền phí cho mỗi lần giao dịch. Chị L. nói cách này rối rắm, lại tốn tiền nên chị không sử dụng.
Với những phụ huynh không thạo công nghệ, nhà trường cung cấp phương án đóng học phí thứ ba là đóng tiền mặt tại các cửa hàng Thế giới di động, FPT Shop, Điện máy xanh… hoặc một số cửa hàng tiện lợi, nhà sách, nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM.