Nguyên nhân trẻ đổ mồ hôi đầu

Trẻ đổ mồ hôi đầu là tình trạng khá phổ biến và có thể điều trị hiệu quả, trước tiên các bậc phụ huynh cần nắm rõ căn nguyên gây nên tình trạng này và lựa chọn hướng can thiệp phù hợp. Dưới đây là 5 nguyên nhân thường gặp nhất:

Trẻ đổ mồ hôi đầu là tình trạng khá phổ biến - Ảnh minh họa: Internet

Vận động mạnh, nhiệt độ cao

Cơ thể trẻ sẽ nóng lên khi hoạt động nhiều hay nhiệt độ môi trường quá cao. Và để làm mát, điều hòa thân nhiệt, hệ thống các tuyến mồ hôi sẽ được kích hoạt gây đổ mồ hôi tại nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó có vùng da đầu.

Sốt

Trẻ đổ mồ hôi đầu khi bị sốt - Ảnh minh họa: Internet

Không chỉ ra nhiều mồ hôi đầu, khi ốm sốt, ở các vị trí như lưng, cổ, nách, bụng, bẹn… của trẻ cũng sẽ bị tăng tiết mồ hôi.

Rối loạn hoạt động hệ thần kinh thực vật

Ở trẻ nhỏ, hệ thần kinh thực vật chưa phát triển toàn diện, đôi khi còn bị rối loạn tạm thời khiến cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi đầu, chân, tay… nhiều hơn bình thường.

Thiếu canxi, vitamin

Với trẻ nhỏ tình trạng thiếu canxi, vitamin D khá phổ biến, ngoài biểu hiện trẻ đổ mồ hôi đầu nhiều về đêm, trẻ sẽ kèm theo các biểu hiện khác như khó ngủ, quấy khóc, biếng ăn, nấc cục, rụng tóc vành khăn hay thóp đầu đóng lại quá chậm…

Mắc một số bệnh lý nguy hiểm

Một số ít trường hợp, trẻ ra nhiều mồ hôi đầu có thể là biểu hiện sớm của các bệnh lý chẳng hạn như: suy tim, bệnh Catarrhal hoặc các bệnh lý tuyến giáp…

Trẻ đồ mồ hôi đầu nhiều có nguy hiểm không?

Mồ hôi đầu ra nhiều khiến cơ thể mất đi một lượng nước và muối nhất định, trẻ sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, quấy khóc.

Mồ hôi đầu ra nhiều khiến cơ thể mất đi một lượng nước và muối nhất định - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, môi trường ẩm ướt cũng chính là nơi thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nếu không vệ sinh sạch sẽ, tình trạng rôm sảy, mẩn ngứa, viêm da, nhiễm nấm da đầu cũng xảy ra thường xuyên hơn.

Khi mồ hôi đầu, lưng, ngực xảy ra thường xuyên mà không được lau khô ngay tức thời, trẻ dễ bị nhiễm lạnh gây ra các bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi...

Khi nào đổ mồ hôi đầu là bệnh lý?

Tuy bé đổ mồ hôi đầu thường không có gì phải lo lắng nhưng vẫn có một vài tình trạng cha mẹ cần lưu ý để phòng các trường hợp xấu xảy ra.

Bệnh tim bẩm sinh

Ngoài dấu hiệu đổ mồ hôi đầu khi ngủ, bạn còn thấy bé ra mồ hôi quá nhiều trong các hoạt động đơn giản như khi đang bú. Lúc này, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa, vì đây có thể là triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh.

Bệnh này là kết quả của việc phát triển khiếm khuyết của tim ở thai nhi. Những em bé mắc bệnh này thường đổ mồ hôi nhiều hơn những em bé khác vì tim phải làm việc rất vất vả để hoàn thành nhiệm vụ bơm máu khắp cơ thể.

Tăng tiết tuyến mồ hôi

Nếu bạn thấy rằng ngay cả trong một căn phòng lạnh, có điều hòa, bé vẫn đổ mồ hôi đầm đìa thì có thể bé gặp tình trạng tăng tiết tuyến mồ hôi.

Đây không phải là vấn đề đặc biệt cần điều trị bằng thuốc. Khi bé lớn lên, bạn có thể dạy con cách kiểm soát tuyến mồ hôi (dùng lăn khử mùi, mặc áo thấm hút mồ hôi…) để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một lý do khác khiến trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu. Tình trạng này phổ biến hơn đối với các bé sinh non, đi kèm những hiện tượng như màu da hơi xanh, thở khò khè và có cơn ngừng thở trên 20 giây, việc này sẽ gây khó chịu cho bé.

Đột tử ở trẻ sơ sinh

Nhiều bố mẹ thường bỏ qua mối nguy hiểm khi để em bé quá nóng. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bé chìm vào một giấc ngủ sâu và rất khó đánh thức, từ đó dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em

Trẻ dưới 7 tuổi

Ngoài dấu hiệu đổ mồ hôi đầu khi ngủ, mẹ còn thấy bé ra mồ hôi quá nhiều trong các hoạt động đơn giản như khi đang bú - Ảnh minh họa: Internet

Ở trẻ nhỏ, ra nhiều mồ hôi đầu mà trẻ vẫn khỏe mạnh, bình thường, thì cha mẹ không cần quá lo lắng.

Chỉ cần thường xuyên lau khô mồ hôi cho trẻ và chọn những bộ quần áo thoáng mát, chất liệu lanh, cotton, satin… thay vì những bộ quần áo bó chặt vào cơ thể làm bằng vải tổng hợp, bởi chúng sẽ khiến cơ thể trẻ nóng hơn, mồ hôi tiết ra nhiều và lâu khô hơn.

Với trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi đầu do thiếu canxi, vitamin D, các mẹ có thể bù đắp sự thiếu hụt này bằng thuốc hoặc từ các loại thực phẩm như trứng, sữa, đậu, tôm, cua, cá…

Đồng thời cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, tắm nắng nhiều hơn nhằm tăng cường hấp thụ vitamin D, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện hơn.

Trẻ đổ mồ hôi đầu từ 7 tuổi trở lên

Ngoài tình trạng đổ nhiều mồ hôi đầu, trẻ có thể bị ra mồ hôi ở những vùng khác như tay, chân, nách… nhiều khả năng là do sự rối loạn hệ thần kinh thực vật. Trong trường hợp này cần sớm điều trị, tránh để bệnh tình nặng hơn, trở thành bệnh mãn tính, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, học hành, tâm lý của trẻ về sau.

Trước tiên hãy thực hiện một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học cho trẻ với những gợi ý sau:

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Hạn chế thực phẩm cay, nóng chẳng hạn như: tiêu, tỏi, gừng, ớt…

Tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày.

Tạo thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức quá khuya.

Trẻ ra nhiều mồ hôi đầu có thể là biểu hiện sớm của các bệnh lý - Ảnh minh họa: Internet

Giúp trẻ vượt qua những căng thẳng về tâm lý bằng cách trò chuyện cùng trẻ, hay  khuyến khích trẻ làm những điều mình yêu thích…

Sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng ổn định hệ thần kinh thực vật, kìm chế sự kích thích quá mức của hệ giao cảm, săn se bề mặt da giúp giảm mồ hôi tại nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là vùng đầu.

Một số lời khuyên khi chăm sóc trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu

Bổ sung vitamin D

Với khí hậu và mức chiếu nắng của chúng ta, nếu biết cách sử dụng, chúng ta có thể hoàn toàn cung cấp đủ vitamin D cho bé bằng cách tắm nắng.

Thời gian tắm nắng: buổi sáng trước 10 giờ, thời gian tắm nắng nên tăng dần từ 10 đến 30 phút. Để việc tắm nắng đạt hiệu quả, các mẹ nên để càng nhiều da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng càng tốt, không cho mắt trẻ bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.

Khi bé ra mồ hôi, mẹ hãy dùng khăn mềm nhẹ nhàng thấm khô cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Giữ cho bé luôn mát (ăn, ngủ nơi rộng rãi, thoáng mát, chơi đùa trong bóng râm và luôn tắm rửa sạch sẽ hàng ngày).

Khi bé ra mồ hôi, mẹ hãy dùng khăn mềm nhẹ nhàng thấm khô cho bé, nhất là trong trường hợp bé hay ra mồ hôi ở vùng đầu, lưng. Vì nếu không lau khô, mồ hôi ra nhiều, thấm ngược vào cơ thể khiến bé sẽ bị nhiễm lạnh, dễ bị ốm.

Một số món ăn có thể giúp giảm đồ mồ hôi đầu ở trẻ

Cháo sò, hến

Luộc chín thái nhỏ sò biển 100g, hến 100g. Rễ cây hẹ 3g rửa sạch giã nhỏ sau đó lọc lấy 200ml nước.

Gạo 50g xay nhỏ cho vào nước rễ cây hẹ nấu, khi gạo chín thì cho sò biển và hến vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần, dùng trong 3 - 5 ngày.

Cháo trai

Trai luộc chín, thái nhỏ. Sau đó nấu cho nhừ thịt trai cùng 50g gạo nếp, 50g gạo tẻ, bỏ thêm nắm lá dâu non đã thái nhỏ, một chút mắm. Món này, mẹ có thể cho trẻ ăn 2 lần trong ngày, dùng liên tục 3 - 5 ngày.

Cháo cá lóc

200g cá lóc luộc gỡ lấy phần nạc. Gạo, ngũ vị xay thành bột mịn khuấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín nêm gia vị là có thể ăn.

Canh rau ngót

30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 ít thịt lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn.

Cháo nếp cẩm

Xay nếp cẩm thành bột mịn, phơi khô. Mỗi bữa ăn bột của bé, cho vào 1 nửa thìa cà phê bột gạo nếp cẩm còn nguyên cám. Riêng đối với trẻ lớn hơn, có thể cho một nắm gạo nếp cẩm vào món cháo thông thường hoặc nấu thành xôi đều được.

Chè đậu xanh

Đậu xanh 50g, gạo nếp 50g, lá dâu non (khô) 10g, đường vừa đủ.

Đậu xanh và gạo nếp sao vàng tán thành bột nhỏ, lá dâu khô cho vào ấm 250ml nước đun sôi chắt lấy nước. Cho bột đậu xanh, bột gạo, đường vào nước lá dâu khuấy đều, đun cho sôi lại là được. Cho trẻ ăn 2 lần mỗi ngày, ăn trong 7 ngày liên tục.

Tóm lại, trẻ đổ mồ hôi đầu có thể lành tính nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó ở trẻ nhỏ. Vì vậy, khi nhận thấy những bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, cha mẹ nên lưu ý một số các phương pháp chăm sóc trẻ bị đổ mồ hôi đầu đúng cách.