Thói quen bừa bãi
Chị Bùi Thu Thuỷ (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự con gái thứ hai của chị 7 tháng nhưng khoảng 2 tuần nay bé thường xuyên đi ngoài phân lỏng, xì xoẹt suốt ngày nên chị ra hiệu thuốc và được nhân viên nhà thuốc tư vấn cho uống men vi sinh. Giá 300 nghìn một hộp men vi sinh quảng cáo hàng của Pháp. Bà mẹ mang về cho con uống.
Tuy nhiên, uống được khoảng 1 tiếng, cháu bé khóc, người mẩn đỏ nổi dị ứng khắp người. Những nốt mề đay nổi trên da bé, cả gia đình cùng xót.
Chị và chồng nhanh chóng đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám, bác sĩ cho biết cháu bị dị ứng thuốc. Mặc dù trước đó cháu uống thuốc nhưng chưa bị dị ứng thuốc gì, chỉ lần này uống men vi sinh.
Trên mạng xã hội, các mẹ bỉm sữa chia sẻ với nhau việc sử dụng men vi sinh cho bé. Chỉ cần bé biếng ăn, bé rối loạn tiêu hoá là các mẹ chia sẻ nên cho bé uống men vi sinh. Chị Đỗ Thị Lý (32 tuổi, Nghĩa Dũng, Hà Nội) kể bé nhà chị lười ăn, thường xuyên táo bón và chị Lý cũng được tư vấn uống men vi sinh. Uống hết mấy hộp nhưng không thấy tác dụng nên hiện tại chị Lý không cho bé uống loại nào nữa.
Mẹ bỉm sữa có tên Phượng Hồng cũng chia sẻ trên hội mang thai lần đầu con chị thường xuyên tiêu chảy và hỏi nên cho bé uống loại men vi sinh nào.
Men vi sinh được coi như thực phẩm và bán rất nhiều từ tạp hoá tới nhà thuốc với các loại bao bì khác nhau dạng nước hoặc dạng cốm.
Bên lề Hội nghị khoa học quốc tế “Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu” do Viện nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hoá, Gan Mật Việt Nam tổ chức, Giáo sư Đào Văn Long, nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hoá và không phải bất cứ khi nào cũng đưa men vi sinh bổ sung là tốt.
GS Long cho biết có những bệnh nhân sử dụng men tiêu hoá, men vi sinh cả năm nhưng không có tác dụng gì. Thực tế, tự ý dùng men vi sinh không mang lại hiệu quả như các bà mẹ mong đợi.
Cơ thể có bao nhiêu loại vi sinh?
Theo GS Đào Văn Long, trong hệ tiêu hóa của con người có rất nhiều vi sinh vật, các vi khuẩn, lợi khuẩn. Bình thường, trong ống tiêu hóa của con người có 3 nhóm vi khuẩn chính: loại có hại, loại cơ hội và loại có lợi.
Vi khuẩn có lợi tạo ra một lớp hàng rào bảo vệ quan trọng, giúp đường ruột tránh được sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn có hại và tác nhân gây bệnh. Vi khuẩn có lợi còn sản xuất ra một số enzym (men tiêu hóa) và vitamin nội sinh, giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Các loại này đều được gọi chung là microbiota với số lượng lên tới trên 100 triệu tỉ (1014) nghĩa là lớn hơn rất nhiều so với tổng số lượng các tế bào trong cơ thể.
Chính vì thế, chúng ta không thể biết cơ thể thiếu loại nào để bổ sung loại đó. Nếu chỉ bổ sung men vi sinh thông thường thì không có tác dụng với đường tiêu hoá.
Hiện nay, men vi sinh có các chế phẩm khác nhau chứa các vi sinh vật có ích giúp ổn định môi trường trong ruột nhằm trị chứng tiêu chảy, khó tiêu do rối loạn tạp khuẩn ruột.
Một nhóm chế phẩm chứa các enzym là thành phần có trong dịch tiêu hóa nhằm cung cấp các enzym mà dịch tiêu hóa người bệnh thiếu giúp trị chứng khó tiêu, đầy bụng.
Có loại thuốc chứa một loại vi khuẩn, có loại thuốc chứa hai, ba loại vi khuẩn. Tất cả các loại này nếu dùng cần có sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên khoa tiêu hoá.
Hiện nay, nhiều bà mẹ còn hiểu sai về công dụng của men vi sinh nên cứ thấy con biếng ăn là cho uống mà không biết rằng trong khi men vi sinh chỉ dùng trong một vài trường hợp nhất định. Việc uống men vi sinh như thế nào cũng rất quan trọng, có loại sử dụng lúc đói, lúc no, sử dụng lạnh, nóng khác nhau.
Nhiều bà mẹ còn men vi sinh vào nước, cháo hay sữa còn nóng để ép con ăn, điều này không đúng khoa học bởi nhiệt độ cao sẽ làm giảm hoạt lực của men vi sinh. Pha men vi sinh buổi sáng uống buổi chiều khiến vi sinh bị chết sẽ không có tác dụng.
GS Long cho biết hiện nay men vi sinh được chỉ định cho các trường hợp loạn khuẩn ruột như đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa.