Chồng tôi tính toán sai dẫn đến làm ăn thua lỗ. Lúc mua nhà, xe hay đất làm công ty, ban đầu vợ chồng có bàn bạc, hầu hết tôi thấy không khả quan nên gàn, nhưng không cản được anh. Sau này anh tự vay mượn không bàn bạc gì với tôi nữa mà bàn với mấy anh bạn, và chỉ thông báo lại cho tôi biết. Nhiều khoản nợ anh tự vay và cũng không nói cho tôi biết. Khi tôi cảm thấy bất an thì mọi việc đã không còn kiểm soát được. Hiện tại anh trắng tay và nợ thêm hơn 3 tỷ. Tôi rất sốc, nhiều lần nghĩ đến cái chết, hiện tại vẫn chưa thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, vừa thấy thương mà cũng rất giận chồng. Vợ chồng tôi chưa bao giờ xảy ra cãi vã hay đánh nhau.

Sau sự việc này tôi sống im lặng, khép mình, cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa. Anh đổi số điện thoại để trốn nợ, chủ nợ gọi cho tôi mỗi ngày. Khoản lớn là 600 triệu và khoản bé là vài chục triệu. Tôi không tin và yêu cầu anh nói rõ từng khoản vay vào thời điểm nào, việc gì nhưng anh chỉ nói một lý do duy nhất đó là công việc làm ăn. Đến lúc này, tôi chấp nhận lý do đó là sự thật, nhưng vẫn không sao nguôi ngoai được.

Ảnh minh họa

Anh luôn tỏ ra ân hận nhưng càng thấy vậy nỗi oán hận trong tôi càng lớn. Anh càng cố an ủi, tôi lại càng muốn tránh xa anh. Thời gian gần đây, mỗi khi vợ chồng gần gũi tôi như cố gắng chỉ làm tròn bổn phận người vợ. Tôi cũng nói thẳng rằng mình không thấy có cảm xúc, nếu nhu cầu cao anh cứ việc ở ngoài miễn đừng để hậu quả hay bệnh tật... Người thân khuyên tôi rất nhiều rằng hãy nhìn vào điểm tốt của chồng để vượt qua. Tôi biết vợ chồng cần đồng cam cộng khổ nhưng áp lực nợ nần khiến tôi nhiều lúc muốn ôm 2 đứa con đi một nơi thật xa để sống cho yên ổn.

Anh không đòi hỏi gì ở tôi, nói những gì anh gây ra sẽ tự chịu trách nhiệm, chỉ cần tôi và các con luôn ở bên anh. Tôi biết bản thân không phải là người dễ dàng từ bỏ mọi thứ, nhưng sao trong đầu luôn chỉ muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Lúc căng thẳng quá anh nói nếu tôi không chịu được thì viết đơn anh sẽ giải thoát cho tôi, còn không hãy coi như bình thường để anh không phải bận tâm chuyện gia đình, lo kiếm việc, kiếm tiền trả nợ.

Mỗi ngày về nhà tôi chỉ muốn một mình, mong chồng đừng đòi hỏi, an ủi hay quan tâm đến tôi. Tôi thấy chán mọi thứ, chán cuộc sống, vừa muốn bỏ anh vừa thương anh. Có lúc tôi tự hỏi không biết có phải mình đã bị trầm cảm hay không? Tôi không biết nên làm gì? Xin chuyên gia và quý độc giả cho tôi lời khuyên.

Dịu

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn Dịu, 

Tình cảm vợ chồng bạn vẫn tốt vì bạn vừa thương vừa giận. Hiện tại bạn "quá tải" vì áp lực về khoản nợ quá lớn. Bạn đang phải chịu đựng việc chủ nợ gọi điện đòi mỗi ngày vì chồng đã đổi số điện thoại. Đây là vấn đề bạn cần bàn với chồng "nếu anh đổi số mà họ gọi đến cho em thì em phải làm sao", để chồng bạn đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể với chủ nợ. Tiếp theo bạn nên nói thẳng với chủ nợ là "lâu nay anh ấy làm ăn gì tôi không biết, tôi chỉ đi làm để nuôi con thôi. Xin được thông cảm". Bạn nên đứng sang một bên trong vai trò là người vợ không biết làm ăn. Nếu bạn hỏi chồng nợ bao nhiêu, nợ lúc nào… trong khi bạn không có tiền trả, mà chủ nợ lại hy vọng vào bạn thì họ càng gọi đến. Lúc này thương chồng là tốt nhưng xử lý công việc còn quan trọng hơn.

Bạn đang sai lầm khi hỏi rõ từng khoản vay. Nếu bạn có thể trả nợ thì truy hỏi là đúng, còn nếu chỉ để thỏa mãn tính tò mò thì không nên. Trong lúc này chồng bạn rơi vào trạng thái sợ hãi, thất vọng và thụ động nên anh ấy chỉ nói một lý do duy nhất là công việc làm ăn. Về mặt tâm lý, khi làm ăn thua lỗ người ta sợ không dám nhớ lại những việc đã làm, vì khi nhớ đến thì áp lực trả nợ càng tăng cao, nên họ cố tìm cách quên đi. Họ thường dùng thời gian như một hy vọng để qua từng ngày.

Bạn chấp nhận lý do chồng đưa ra nhưng lại không nguôi ngoai được là do bạn không tham gia vào quá trình làm ăn, gây nợ nên không thể thoát khỏi câu hỏi tại sao. Điều này khiến bạn căng thẳng khi nhìn thấy chồng, thế nên chồng càng an ủi bạn càng muốn tránh xa, trong khi anh ấy sợ hãi và hy vọng vào điều duy nhất là còn vợ con. Lúc này chồng bạn chẳng còn tâm trí để vui mà chỉ là hành động trong vô vọng như người thả nổi trên sông, để thời gian qua đi. Bạn muốn tránh xa chồng là một biểu hiện sợ nợ nần khi nhìn thấy anh ấy. Bạn cố gắng làm tròn bổn phận của một người vợ tức là tình cảm vẫn còn.

May là bạn còn nghĩ được vợ chồng cần đồng cam cộng khổ. Đây nguồn tâm lý giúp bạn giữ được gia đình và cũng là lượng hưng phấn còn lại rất ít để bạn vượt lên. Chồng bạn nói sẽ tự chịu trách nhiệm những gì mình gây ra là nói thật và cũng như lời cầu xin “đừng bỏ anh lúc này”. Bạn nói mình không phải là người dễ dàng từ bỏ mọi thứ, nhưng trong đầu lại muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Đây là vì trong bạn đang có hai luồng tâm lý, một là giá trị gia đình, hai là áp lực nợ nần. Lúc bạn bình tĩnh thì nhớ giá trị gia đình, lúc lo sợ sẽ muốn buông bỏ cuộc sống. Trong hai luồng tâm lý này sẽ có một luồng chiến thắng. Có người bỏ nhà, tự tử, còn ly hôn ít xảy ra vì người ta không còn đủ tâm trí để nghĩ đến ly hôn, trừ khi việc ly hôn là một thủ đoạn nào đó.

Bạn chưa đến mức trầm cảm nhưng đang bị stress cao. Stress là hiện tượng tâm lý mất kiểm soát do hưng phấn và ức chế không tự điều hòa. Nếu thời gian tới việc nợ nần được kiểm soát, lúc đó bạn sẽ hết. Trong trường hợp không kiểm soát được, mà lúc đó tâm lý của bạn chuyển sang kiểu “quẳng gánh lo đi”, kệ nợ nần, sống đã, thì bạn đã có được trạng thái mới sau sóng gió, tăng sức chịu đựng của tâm lý lên một bậc so với trước. Còn nếu bạn vẫn lo như bây giờ thì có thể sẽ bị trầm cảm.

Bây giờ bạn hãy thống nhất với chồng, anh ấy lo việc nợ nần, bạn tập trung làm việc nuôi con. Bạn cũng yêu cầu chồng nói cho chủ nợ là bạn không dính dáng gì để các chủ nợ khỏi làm phiền bạn. Bạn cũng nên đổi số điện thoại để tự cứu mình và cứu các con. Từ nay việc ai người nấy làm để tự mỗi người xả stress đã rồi tính tiếp. Ngoài ra, bạn thử xem có thể về nhà nội hoặc ngoại để tránh phức tạp có thể xuất hiện khi chủ nợ đến. Tránh mặt để nuôi con, lo cho con là cần thiết. Về đạo đức thì không nên nhưng về tâm lý thì không sao. Sống được mới lo việc được, kể cả trả nợ. Bạn hãy suy nghĩ tích cực và hy vọng, nhiều khi hy vọng là nhặt được khoản tiền để trả nợ… Điều này về mặt xã hội là không đúng, nhưng về việc tự tìm lối thoát trong suy nghĩ là tốt.

Chúc bạn vượt qua bằng những điều ước nho nhỏ.