Tôi sinh ra trên mảnh đất miền Trung, bước chân vào miền Nam theo đuổi ước mơ và hoài bão của mình. Học xong đại học ra đi làm, tôi gặp anh. Sau một năm tìm hiểu, chúng tôi kết hôn. Anh là người chồng, người cha tốt, duy có một điều làm tôi buồn. Tiền lương anh không đưa tôi giữ, anh nói vì tôi không cẩn thận nên sợ mất tiền, chỉ đưa tiền khi tôi hỏi. Anh cũng rất kỹ tính và hay để ý vụn vặt.
Gia đình tôi sống tình cảm, ba mẹ hay gọi điện hỏi thăm chồng tôi nhưng anh toàn mượn cớ đau đầu hoặc có việc bận để tắt máy. Mỗi lần ba mẹ tôi gọi điện hay xuống thăm, anh thường tỏ ra khó chịu. Anh kỹ tính nên ba mẹ tôi ở quê vào, làm việc gì không vừa ý là anh nói lại với tôi. Thật sự tôi rất buồn. Giờ tôi phải làm sao để hòa hợp đôi đường. Xin chuyên gia và độc giả hãy cho tôi lời khuyên.
Quỳnh
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:
Chào bạn Quỳnh,
Mỗi gia đình có một nền văn hóa, thói quen sinh hoạt, cách tương tác khác nhau. Có thể gia đình bạn có thói quen sống tình cảm, cha mẹ con cái quan tâm nhau, hay hỏi thăm, chia sẻ. Còn chồng bạn có thể sống trong một gia đình độc lập, khô khan, ít hoặc không quen bày tỏ cảm xúc, tình yêu thương, sự quan tâm ra ngoài. Chính vì có thói quen khác nhau như vậy nên chồng bạn mới kiếm cớ để không nghe điện thoại của bố mẹ vợ. Hoặc cũng có thể chồng bạn không thích bố mẹ vợ lắm nên mới tìm cớ để tránh phải tiếp xúc.
Bạn và gia đình bạn thấy khó chịu, tức giận về việc chồng không đón nhận thói quen nhà mình là không hợp lý. Nếu muốn anh ấy thay đổi, bạn không nên nóng vội, phải tập cho anh ấy quen dần với những thói quen của gia đình bạn bằng cách chia sẻ cho anh ấy những cái hay, ý nghĩa từ những hành động đó. Bạn và cả ba mẹ bạn nên cởi mở, lắng nghe xem vì sao chồng bạn lại có thái độ, hành động như vậy, từ đó mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho nhau hơn.
Bạn cần phải mạnh mẽ hơn khi nói chuyện với chồng và theo hướng đối thoại tích cực. Nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của mình khi chồng có những hành vi như vậy. Chia sẻ cho chồng hiểu cách sống và cư xử bên gia đình vợ, để anh ta hiểu mà cảm thông hơn với cảm xúc của bạn. Thiền sư Nhất Hạnh từng nói “Có hiểu mới thương”. Bạn cần làm mỗi ngày một chút, mưa dầm thấm lâu chứ không phải vội vàng một lần cho xong.
Bạn cũng cần khéo léo nói chuyện với ba mẹ mình để ông bà hiểu về tính cách của chồng và thông cảm với anh ấy hơn. Nói cho cha mẹ biết thói quen, cách bày tỏ tình cảm của bên gia đình chồng khác với bên nhà mình. Bố mẹ đừng so sánh hay bắt anh ấy phải sống cư xử giống bên nhà mình, rồi khi anh ấy không đáp ứng được, ba mẹ lại cảm thấy tổn thương hoặc có cảm giác bị con rể coi thường. Đó là suy nghĩ tiêu cực, suy diễn và không thấu đáo.
Còn có một khả năng nữa đó là chồng bạn không thích cha mẹ vợ can thiệp quá sâu vào đời sống của hai vợ chồng, bên vợ đến nhà nhiều quá hoặc ở lâu quá. Anh ấy sẽ cảm thấy đời sống riêng tư bị xâm phạm, bị can thiệp nhiều từ phía vợ. Thực ra nhiều người có tính cách và thói quen như chồng bạn, nhưng họ không có ý gì xấu cả. Vậy nên bạn thử lưu ý để điều chỉnh sao cho phù hợp.
Chúc bạn bình an.