Những lợi ích tuyệt vời của quả mít

Tăng cường hệ miễn dịch

Mít chứa nhiều vitamin C - đây là chất giúp cơ thể chống nhiễm virus và nhiễm khuẩn. Vitamin C giúp tăng cường miễn dịch bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào máu trắng. Một cốc nước ép từ mít có thể cung cấp cho cơ thể lượng lớn chất oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể.

Ảnh minh họa: Internet

Hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh

Trong 64 g mít non chứa 7 g chất xơ - chiếm 25% lượng chất xơ cần nạp trong một ngày. Ashley Munro, một chuyên gia dinh dưỡng và cố vấn ăn uống người Mỹ, cho biết: “Vì mít khá giàu chất xơ nên sẽ giúp ta cảm thấy no lâu hơn và ngăn ngừa táo bón”.

Giúp xương chắc khỏe

Mít giàu vitamin A và canxi, đồng thời giàu magie giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Mít là một lựa chọn thay thế lành mạnh cho sữa nhằm tăng cường sức khỏe xương và ngăn loãng xương.

Ảnh minh họa: Internet

Giúp ngăn ngừa chuột rút

Mít non chứa nhiều kali. Theo Munro, nếu bạn bị chuột rút, có khả năng bạn đang bị mất nước hoặc bạn đang thiếu kali. Kali giúp cân bằng lượng nước và máu trong cơ thể, thúc đẩy phát triển cơ bắp, duy trì sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa.

Theo trang tin Shape, mít còn chứa magiê - dưỡng chất giúp quản lý chức năng cơ và dây thần kinh, điều chỉnh đường huyết và huyết áp, tạo xương, ngăn ngừa các bệnh: hen suyễn, tiền sản giật, chứng đau nửa đầu và bệnh tim mạch.

Phòng ngừa bệnh thiếu máu

Ăn mít cũng là cách hiệu quả giúp bổ sung hàm lượng sắt cho cơ thể. Chất sắt giúp cơ thể chúng ta phòng ngừa các bệnh rối loạn máu thông thường như bệnh thiếu máu.

Ảnh minh họa: Internet

Ăn mít có khả năng giảm cân?

Là loại trái cây có chứa hàm lượng chất xơ và calo ở mức cao so với các loại quả khác, việc kết hợp mít vào khẩu phần ăn hàng ngày có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và hạn chế việc ăn vặt không cần thiết.

Không những vậy, nếu sử dụng một chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật thì lượng calo mà quả mít mang lại cũng giúp người sử dụng cắt giảm tối đa protein từ các loại thịt. Cụ thể hơn, 150g mít mang lại 157 calo so với 375 calo từ thịt lợn, trong khi đó lượng chất xơ được bổ sung nhiều hơn và lượng chất béo bão hòa hấp thụ cũng giảm đi. Về cơ bản, kết hợp mít trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể giảm lượng thịt tiêu thụ từ đó giúp việc giảm cân trở nên hiệu quả hơn, nhưng cũng không nên quá lạm dụng mà chỉ sử dụng mít, hãy kết hợp cùng các loại hạt và trái cây khác để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Ảnh minh họa: Internet

Lưu ý khi ăn quả mít

Không nên ăn mít quá nhiều trong một lúc

Nhiều người cảm thấy rằng càng ăn nhiều mít vào mùa hè thì càng có cảm giác nóng trong người. Lý giải về hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm – trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) phân tích: Hoa quả thì không có khái niệm nóng lạnh, không phải múi mít có nhiệt độ cao, cho vào miệng là có cảm giác nóng. Đơn giản là mít có nồng độ đường cao, vì vậy khi ăn nhiều sẽ sinh bốc hỏa.

Nguyên tắc hàng đầu để ăn mít an toàn, không gây hại đó là không được ăn nhiều mít cùng lúc. Mỗi người lớn chỉ nên ăn khoảng 4-5 múi mít (80-100g). Ăn quá nhiều mít một lúc sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, gây nóng trong, không tốt cho gan thận, thậm chí gây tăng cân mất kiểm soát.

Ảnh minh họa: Internet

Tránh ăn mít lúc bụng đang đói

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, lúc đói thì không nên ăn những loại quả nhiều đường như mít vì sẽ làm lượng insulin tăng vọt, từ đó khiến tuyến tụy bị tăng áp lực khi vẫn còn đang chưa hoạt động ổn định dẫn đến bạn sẽ bị tiểu đường. Hơn nữa, sai lầm này cũng có thể gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu.

Không nên ăn mít vào buổi tối

Ăn mít vào buổi tối có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vì hàm lượng chất xơ cao nhất là hạt mít. Hơn nữa, múi mít cũng giàu năng lượng, đặc biệt là tính nóng và nhiều đường, vì thế có thể gây tích mỡ bụng, gây nóng trong, gây khó ngủ. Tốt nhất mọi người chỉ nên ăn mít 1-2 giờ sau khi ăn bữa sáng hoặc trưa. Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.