Huyết áp cao

Huyết áp cao còn gọi là tăng huyết áp, xảy ra khi các động mạch vận chuyển máu từ tim đến các cơ quan của cơ thể bị thu hẹp lại, làm tăng áp lực bên trong lòng động mạch. 

Khi mang thai, tăng huyết áp có thể khiến máu khó đến được nhau thai - nơi cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi. Giảm lưu lượng máu có thể làm chậm sự phát triển của thai nhi và khiến người mẹ có nguy cơ sinh non, tiền sản giật cao hơn.

Huyết áp cao là một trong những bệnh thường gặp ở bà bầu - Ảnh minh họa: Internet

Phụ nữ bị huyết áp cao trước khi mang thai sẽ tiếp tục phải theo dõi và kiểm soát bằng thuốc (nếu cần thiết) trong suốt thai kỳ. 

Huyết áp cao phát triển trong thai kỳ được gọi là tăng huyết áp thai kỳ. Thông thường, tăng huyết áp thai kỳ xảy ra trong nửa sau của thai kỳ và biến mất sau khi sinh.

Bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra khi bà bầu không bị tiểu đường trước khi mang thai nhưng lại phát triển tình trạng này trong thai kỳ.

Thông thường, cơ thể tiêu hóa thức ăn thành đường glucose. Sau khi tiêu hóa, glucose di chuyển vào máu để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Để đưa glucose từ máu vào tế bào và cung cấp năng lượng, tuyến tụy phải tạo ra một loại hormone gọi là insulin. 

Trong bệnh tiểu đường thai kỳ, sự thay đổi nội tiết tố khiến cơ thể mẹ không cung cấp đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách bình thường. Thay vào đó, glucose tích tụ trong máu của mẹ gây ra bệnh tiểu đường.

Nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến huyết áp cao do tiền sản giật và sinh con to, làm tăng nguy cơ sinh mổ.

Tiền sản giật

Tiền sản giật là một tình trạng nghiêm trọng gặp trong thai kỳ, có thể dẫn đến sinh non và tử vong. Nguyên nhân của tiền sản giật thường không rõ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Mang thai lần đầu
  • Tiền sử bị tiền sản giật ở lần mang thai trước
  • Tình trạng hiện tại: huyết áp cao, tiểu đường, bệnh thận và lupus ban đỏ hệ thống
  • Bà bầu từ 35 tuổi trở lên
  • Mang thai đôi hoặc đa thai
  • Béo phì

Các bệnh lý nhiễm trùng nói chung

Nhiễm trùng (bao gồm một số bệnh lây truyền qua đường tình dục - STIs), có thể xảy ra trong khi mang thai và/hoặc khi sinh nở. Các biến chứng từ các bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và em bé. 

Hệ miễn dịch yếu khiến mẹ bầu rất dễ mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng - Ảnh minh họa: Internet

Một số bệnh nhiễm trùng có thể truyền từ mẹ sang trẻ trong khi sinh; một số nhiễm trùng khác có thể lây nhiễm cho thai nhi trong thai kỳ. Các biến chứng mà tình trạng nhiễm trùng có thể gây ra:

  • Sảy thai (trước 20 tuần tuổi)
  • Thai chết lưu (bằng hoặc sau 20 tuần tuổi)
  • Thai ngoài tử cung (phôi làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng)
  • Sinh non (trước 37 tuần)
  • Cân nặng sơ sinh thấp
  • Dị tật bẩm sinh (bao gồm mù, điếc, dị dạng xương và thiểu năng trí tuệ)
  • Bé chào đời bị bệnh trong giai đoạn sơ sinh
  • Trẻ sơ sinh tử vong
  • Biến chứng sức khỏe cho bà mẹ

Để hạn chế nhiễm trùng khi mang thai, mẹ bầu nên có kế hoạch tiêm chủng vaccin trước khi quyết định có con. Ví dụ các vaccin như thủy đậu và Rubella. Mẹ cũng có thể tiêm một số loại vaccin (ví dụ: vaccin phòng cúm) trong khi đang mang thai. 

Nếu mẹ bầu bị nhiễm trùng (ví dụ: nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng âm đạo, viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy…), hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, tránh các biến chứng xấu.

Thiếu máu do thiếu sắt

Phụ nữ mang thai cần nhiều sắt hơn bình thường để tăng lượng máu tạo ra trong thai kỳ. Thiếu máu thiếu sắt là một trong những bệnh thường gặp ở bà bầu, có liên quan đến vấn đề sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. 

Các triệu chứng thiếu sắt bao gồm: Cảm giác mệt mỏi hoặc ngất xỉu, khó thở và da dẻ trở nên xanh xao. Hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyến nghị mẹ bầu nên cũng cấp đủ 27 miligam sắt mỗi ngày để giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. 

Táo bón và bệnh trĩ

Đối với phụ nữ mang thai, táo bón là một trong những bệnh thường gặp ở bà bầu, nếu không được điều trị, táo bón có thể dẫn đến bệnh trĩ (tĩnh mạch xung quanh hậu môn sưng to).

Táo bón và bệnh trĩ là nỗi ám ảnh của mẹ mỗi khi đi vệ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Một số biện pháp ngăn ngừa hoặc khắc phục táo bón, tránh phát triển thành bệnh trĩ.

Tăng chất xơ trong chế độ ăn uống: Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và khô, rau, các loại hạt và đậu khô nấu chín và đậu lăng… mục tiêu ăn 30 - 40 gram chất xơ mỗi ngày.

Uống ít nhất 6 - 8 ly nước mỗi ngày.

Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn - đi bộ là một lựa chọn tuyệt vời.

Thuốc nhuận tràng có chứa psyllium có thể được sử dụng khi mang thai, tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào

Khi táo bón đã phát triển thành bệnh trĩ

Có thể sử dụng một túi nước lạnh hoặc khăn mỏng bọc một viên đá rồi chườm lên hậu môn, điều này giúp giảm cảm giác đau, sưng và kích ứng.

Giữ vùng hậu môn của mẹ thật sạch sẽ sau mỗi lần đi tiêu.

Khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Đau lưng

Trong những bệnh thường gặp ở bà bầu không thế thiếu đau lưng do trọng lượng ngày càng tăng của em bé làm thay đổi tư thế của mẹ.

Duy trì một tư thế tốt, luyện tập các bài tập tiền sản thường xuyên và mang giày đế bằng thoải mái có thể giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu.

Đau lưng rất phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt vào những tháng cuối - Ảnh minh họa: Internet

Nếu cơn đau lưng của mẹ vượt quá khả năng chịu đựng, khiến mẹ bầu khó khăn trong sinh hoạt, mẹ có thể đề nghị một loại thuốc giảm đau từ bác sĩ chuyên khoa.

Giãn tĩnh mạch chân – sưng phù chân

Giãn tĩnh mạch thường là nguyên nhân gây xuất hiện các triệu chứng phù trong thai kỳ. Hormone thai kỳ được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, bên cạnh việc cân nặng cơ thể tăng nhanh, dồn trọng lượng lên chân của mẹ.

Để ngăn ngừa và cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch phát triển, mẹ bầu nên tham khảo một số gợi ý sau đây:

  • Tránh đứng trong thời gian dài
  • Tránh ngồi bắt chéo chân
  • Kê gối cao dưới chân khi ngủ hoặc nghỉ ngơi
  • Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên như đi bộ hoặc bơi lội
  • Mang vớ hỗ trợ giảm thiểu tình trạng giãn tĩnh mạch
  • Báo cho bác sĩ biết về tình trạng hiện tại của mẹ.

Tiểu không tự chủ - rò rỉ nước tiểu

Khi mang thai, mẹ bầu có thể bị rò rỉ một chút nước tiểu khi ho hoặc cười. Vấn đề này được gọi là tiểu không tự chủ và nó có xu hướng trở thành một vấn đề trong suốt cả thai kỳ.

Chứng ợ nóng và khó tiêu

Chứng ợ nóng là một trong những bệnh thường gặp ở bà bầu.

Có một số cách khắc phục ợ nóng cho bà bầu rất hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Mẹ có thể làm giảm chứng ợ nóng bằng dung dịch thuốc kháng axit hoặc thuốc viên dưới sự chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tránh ợ nóng bằng cách ăn các bữa ăn nhỏ, tránh thức ăn quá béo, cay nóng.

Không nằm ngay sau khi ăn.

Nâng đầu giường lên khoảng 15 cm có thể giúp giảm chứng ợ nóng vào ban đêm.

Đôi khi, uống một ly sữa hoặc ăn một ít sữa chua có thể giúp ngăn ngừa và giảm chứng ợ nóng cho mẹ bầu hiệu quả.

Chuột rút

Chuột rút ở cẳng chân và bàn chân là một trong những bệnh thường gặp ở bà bầu vào nửa sau của thai kỳ, thường xảy ra vào ban đêm.

Khi mẹ bị chuột rút, hãy giữ chân thẳng trên nệm và kéo ngón chân về phía đầu gối, giúp kéo căng cơ bắp chân và giúp giảm đau. Nếu điều này không hiệu quả, mẹ hãy hãy thử đứng lên và bước về phía trước bằng chân còn lại để kéo căng cơ bắp bị chuột rút. 

Khi cơn đau dịu đi, mẹ có thể xoa bóp khu vực bị chuột rút hoặc đặt chai nước/túi chườm nóng lên vị trí bị đau.

Những bệnh thường gặp ở bà bầu tuy mang lại nhiều khó chịu và lo lắng cho mẹ, tuy nhiên phần lớn phụ nữ biết cách chăm sóc đều trải qua suôn sẻ và có một thai kì khỏe mạnh.